|
Từ trước khi thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã truyền dạy cho các cán bộ nòng cốt của mình ở Quảng Châu những nguyên tắc xây dựng một Đảng chân chính. Người rất coi trọng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, coi đây là quy luật phát triển của Đảng - sự phát triển bao hàm trong đó sự tự chỉnh đốn và đổi mới. Sau này Người nói rõ và nhấn mạnh hơn: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Sửa đổi lối làm việc, 1947).
|
Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi “là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh” (Tự phê bình và phê bình, 1955) để Đảng đoàn kết chặt chẽ, để nâng cao năng lực lãnh đạo, để Đảng làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước nhân dân - những người đã tin tưởng trao trách nhiệm cho Đảng. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, “Muốn trở thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” (1945). Phê bình và tự phê bình không phải (và không thể) là cái gì đó đáng sợ, cũng không phải là công việc có tính hình thức, làm chiếu lệ qua loa cho xong chuyện. Hồ Chí Minh lưu ý đảng viên và các cấp bộ Đảng từ trên xuống dưới phải “luôn luôn dùng và (phải) khéo dùng cách phê bình và tự phê bình” (Sửa đổi lối làm việc,1947). Người phê phán thái độ lệch lạc, sai trái thường xảy ra: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của mình khi tự phê bình, sợ phê bình, nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý khi phê bình người khác, phê bình cấp trên, hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, đả kích, vùi dập người khác... Trong phê bình và tự phê bình, tình cảm phải chân thành, lý lẽ phải phân minh, nghĩa và tình đều cần (phải) đầy đủ. Trong những dòng cuối cùng của mình, Bác Hồ vẫn đau đáu nhấn mạnh điều đó khi đề cao việc tự phê bình và phê bình: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (Di chúc, 1969).
Điều chúng ta nên chú ý là khi nói và viết về tự phê bình và phê bình, Bác Hồ thường đặt tự phê bình lên trước phê bình. Người cho rằng mỗi đảng viên trước hết phải tự mình thấy rõ mình để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình tốt mới có thể phê bình tốt. Trong công việc tưởng như dễ mà rất khó khăn đó, Người nhấn mạnh tinh thần gương mẫu tự giác của mỗi cán bộ đảng viên. Cán bộ đảm nhiệm cương vị càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Bác ví phê bình và tự phê bình như dùng khăn mặt và xà phòng gột rửa những khuyết điểm như những gì cáu bẩn bám vào con người, không để nó làm cho con người xấu xí và hôi hám. Và Bác Hồ khuyên chúng ta: Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày.
Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời trước mỗi tình thế cách mạng và bằng sự nêu gương, tiên phong của mỗi cán bộ đảng viên trong từng công việc cụ thể - “Cán bộ đi trước làng nước theo sau”. Bác Hồ cũng đã thân mật mà nghiêm khắc chỉ rõ rằng: Không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản mà được nhân dân thừa nhận. Đảng chỉ có thể lãnh đạo hiệu quả dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Sự tín nhiệm đó có được từ sự đúng đắn của đường lối, chính sách ở tầm vĩ mô. Nhưng điều quan trọng không kém là sự tín nhiệm, tin tưởng có được từ những tấm gương hy sinh, phấn đấu của mỗi cán bộ đảng viên trên từng cương vị công tác của mình và “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (Muốn trở thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích, 1945)...
TS Ngô Vương Anh
Bình luận (0)