Chuông trên đỉnh Ngũ Phong

14/02/2013 10:41 GMT+7

(TN Xuân) Đây không phải là đỉnh Ngũ Phong trong tưởng tượng của Bất diệt kiếm thể, nơi mười năm một lần Tử Hà tông tổ chức đại hội luận kiếm.

Đỉnh Ngũ Phong ở Huế, nơi tôi đang đứng, có lẽ là nơi hiếm hoi mà mọi người có thể lên, tự tay thỉnh chuông, cầu cho thế giới hòa bình.

Theo đường Thiên Thai, cách TP.Huế chừng 10 km về phía tây nam là công trình văn hóa tâm linh tôn vinh công lao của người con gái nước Việt, vị sứ giả hòa bình dấn thân ngàn dặm xa xôi từ Thăng Long vào nam, mở ra một vùng đất phên dậu Ô Lý rộng lớn: Công chúa Huyền Trân.

Chuông trên đỉnh Ngũ Phong
Chuông Hòa Bình  - Ảnh: Cúc Phương

Bên trái quần thể này có con đường bê tông nấp dưới bóng thông dẫn lên đỉnh Ngũ Phong cao 108 m. Buổi trưa lồng lộng gió. Ông già áo lam ra hiệu đến lượt tôi thỉnh chuông, vừa lúc chính Ngọ, tôi thả từng tiếng một. Thiền âm u vọng của chuông Hòa Bình trộn lẫn với gió ngàn, lan vào thinh không, bay đi trong vô tận. Khoảnh khắc ấy tựa hồ tiếng chuông đã kết nối triệu triệu tâm hồn trên thế gian này bằng một thông điệp, một khát vọng an lạc, và tôi thấy tâm hồn mình thanh thoát, diệu vợi...

*

Người đàn ông mặc áo lam tục danh Nguyễn Sơn tuy tuổi đã 70 có lẻ nhưng cơ thể rắn rỏi, nước da màu đồng hun đậm mùi sương gió.

Mỗi ngày, từ tinh mơ, ông mang theo túi nhang, chai nước lọc, đến chân núi, leo 246 bậc cấp lên đỉnh Ngũ Phong. Trên con đường mà đám trai trẻ trong đoàn cũng phải nghỉ giữa chừng vài đợt thì ông già thất thập ấy lại bước những bước chân nhẹ nhõm. Sáng lên, trưa về, chiều lại lên đến khuya mới về. Từ năm này sang năm khác, mỗi ngày ông leo lên ngần ấy bậc cấp và bước xuống cũng ngần ấy bậc.

Chuông trên đỉnh Ngũ Phong 2
Ông Nguyễn Sơn - Ảnh: Cúc Phương

Chánh đỉnh Ngũ Phong có lầu chuông. Trong lầu treo một quả chuông bằng đồng nguyên chất do nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Sính ở Phường Đúc (Huế) cùng các cộng sự chế tác. Chuông cao 2,16 m, đường kính miệng rộng 1,26 m, nặng 1,6 tấn; là một trong những chiếc chuông lớn nhất nước ta. Quai gánh thân chuông được đúc theo lối truyền thống hình long mã. Quanh chuông chia làm tám ô. Bốn ô phía trên khắc tám chữ: Thế giới hòa bình, Nhân loại hạnh phúc. Bốn ô phía dưới khắc bốn hình ảnh tiêu biểu: Trung tâm Phật giáo Yên Tử; chùa Diên Hựu (Một Cột) - Hà Nội; chùa Thiên Mụ - Huế; chùa Giác Lâm - TP.HCM.

Ông Sơn, người giữ chuông kiêm hướng dẫn viên công đức, kể: "Chuông được đúc vào ngày 13.3.2006 và được đưa lên tháp ngày 26.3.2007. Khi thỉnh chuông lên đỉnh, phải huy động 20 thanh niên khỏe mạnh, dùng ròng rọc di chuyển mất ba ngày".

Đều đặn, cứ 5 phút ông Sơn lại đánh một tiếng chuông. Mỗi tiếng chuông ông đọc một câu kinh, bài kinh dài 108 câu, tức mỗi ngày ông đánh đủ 108 tiếng.

Chúng tôi ái ngại nhìn quanh, lầu chuông xung quanh không che chắn, hỏi ông mưa gió thì làm thế nào. Ông Sơn thản nhiên: "Ngày mưa gió hay mùa đông ở trên ni lạnh lắm, nhưng lúc nào tôi cũng ngồi như thế này và đánh đủ 108 tiếng chuông".

*

Lên đỉnh Ngũ Phong rồi, ai cũng muốn được cầu nguyện và tận tay thỉnh chuông. Theo chỉ dẫn của ông già áo lam, mỗi vị khách đánh tối thiểu 3 tiếng: tiếng thứ nhất, cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc; tiếng thứ hai cầu cho quốc thái dân an; tiếng thứ ba cầu cho gia đình, bản thân người thỉnh.

Tôi lại muốn đánh 108 tiếng như ông Sơn nhưng vì đoàn quá nhiều người muốn thỉnh, ông bảo tôi nên đánh 18 tiếng theo quan niệm nhà Phật. Và tôi đã làm như thế.

Xong, người trong đoàn chúng tôi lần lượt chui đầu vào trong chuông nghe người khác đánh. Nghe từ bên trong, âm thanh phát ra càng lạ. Ai cũng tin rằng, nghe rồi, lòng ai cũng rũ sạch được nỗi âu lo và như được tiếp thêm năng lượng.

Dẫu có vô thần, vô thánh thì tiếng chuông cũng là nhạc điệu âm thanh do ngũ hành và con người tạo nên. Một thứ âm thanh diệu vợi.

Cúc Phương

>> Lên núi Ngũ Phong gióng chuông Hòa Bình
>> Đến Huế khám phá vườn "treo" trên hoàng thành
>> Măm" hải sản dưới hoàng hôn Lăng Cô
>> Khám phá Hawaii trong 29 giây
 >> Khám phá đảo thiên đường Boracay
>> Khám phá Mỹ Sơn, Hội An bằng bus
>> Thăm “đảo thiên đường” ở Quảng Nam
>> Hòn Cau có trước rồi mới đến... thiên đường 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.