Nhưng có vẻ luật này cũng sẽ cùng số phận như nhiều luật khác, có hiệu lực nhưng sẽ còn phải chờ văn bản hướng dẫn rất lâu. Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) có hiệu lực từ ngày 1.2.2013, nhưng cho đến hôm qua (23.1), theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 3 nội dung cần có hướng dẫn chi tiết gồm: Nghị định hướng dẫn chung, Nghị định quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và Nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu trong thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động vẫn đang ở dạng bản thảo 1, tức là còn rất xa bước lấy ý kiến các ngành hữu quan, công chúng và càng xa mới đến khâu trình Chính phủ.
Với một luật nhận được nhiều quan tâm của lãnh đạo cấp cao và dư luận mà công tác chuẩn bị thi hành như thế có thể gọi là chậm trễ.
Điểm thay đổi căn bản trong luật PCTN năm 2012 là Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai được công khai tại cơ quan làm việc thay vì “quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ” như quy định cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của kê khai tài sản, thu nhập là sự trung thực. Nếu không thì việc kê khai mãi mãi hình thức, vừa tốn thời gian, tiền bạc mà chẳng giúp ích gì cho chống tham nhũng.
Điều này đã không được đặt ra trong luật mà được nói là “để dành” cho Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập quy định. Chưa biết, rồi nghị định sẽ xử lý vấn đề này như thế nào. Nhưng với cơ chế hiện hành và cả khi luật PCTN mới có hiệu lực, những khối tài sản lớn như nhà cửa, đất đai và cả tiền bạc, người ta đều có thể nhờ người này, người khác đứng tên hộ, trong khi quy trình kê khai, công khai chỉ dừng ở mức kêu gọi sự tự giác là chính thì đòi hỏi sự trung thực là rất khó.
Luật pháp cần một chế tài bảo đảm sự trung thực của các bản kê khai. Bộ luật Hình sự nên bổ sung điều khoản xử lý đối với trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản một cách hợp lý (bao gồm cả xử lý người kê khai và tài sản kê khai không trung thực). Bên cạnh việc mở rộng phạm vi công khai bản kê khai tài sản cán bộ, công chức, cũng lại cần có quy định về kiểm tra, xác minh ngẫu nhiên một tỷ lệ nhất định. Ở Hàn Quốc, quy định xác minh ngẫu nhiên là 30% số trường hợp phải kê khai để bảo đảm sự trung thực của các bản kê khai.
Cuối cùng, điểm chính trong việc kê khai tài sản là phải kiểm soát được thu nhập, còn nếu không thì dù kê khai thế nào vẫn chỉ là hình thức. Ở một xã hội mà thanh toán tiền mặt chiếm đại đa số các giao dịch thì điều chắc chắn rằng, việc xác định tài sản bất minh (do tham nhũng mà có) là điều không tưởng. Đã qua rồi cái giai đoạn ban đầu, cán bộ, công chức “ngại” kê khai tài sản, thu nhập và “sợ” công khai, bởi vì đã không thiếu cách để họ có những bản kê khai đẹp như tổ chức muốn.
An Nguyên
Bình luận (0)