Cấm vì giáo viên sợ học sinh nói xấu ?
Cựu học sinh Nguyễn Minh Tú chia sẻ suy nghĩ và quan điểm xung quanh những điều “cấm kỵ” trong thông báo của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trên Facebook. Tú cho rằng trong giao tiếp, người trẻ vẫn nói tục, nói bậy nhưng thường đều có chừng mực và giới hạn. Thế nên việc học sinh sử dụng Facebook để trào lộng thầy cô giáo của mình là không thể chấp nhận và cũng không nên mang “tự do ngôn luận” để biện minh cho hành động đó. Bởi tự do ấy phải đặt trong khuôn khổ đạo đức và phản biện của xã hội.
Tú nhìn nhận, nói một cách công bằng, nội dung “cấm kỵ” đưa ra rất khó thực hiện, nếu không nói là quá khắt khe. Nhưng bản thông báo cũng không sai, nội dung đưa ra không có gì trái với đạo đức, mà cho thấy thầy cô đang cố gắng hết sức để học sinh có một môi trường ảo trong sạch hơn.
|
“Sau tất cả những lùm xùm, lời qua tiếng lại, hãy hiểu vấn đề đơn giản rằng, thầy cô ai cũng muốn chúng ta có một môi trường sống và học tập thật trong sạch, ai cũng muốn chúng ta cư xử với nhau đẹp hơn, nhân văn hơn, thân thiện hơn, tìm cách diễn đạt suy nghĩ, niềm vui cũng như nỗi buồn, yêu thương cũng như tức giận một cách chín chắn hơn, lịch sự hơn mà thôi. Giống như cha mẹ vậy, dù có đánh, có mắng, có chửi con, nhưng vẫn cứ thương con”, Tú nhắn nhủ.
Những chia sẻ của Hoàng Minh Tú sau đó đã nhận được rất nhiều bình luận. Trong đó, nhiều thành viên bày tỏ nghi vấn, thông báo này được tung ra sau những lùm xùm học sinh nói xấu giáo viên bị đuổi học ở Quảng Nam, phải chăng thầy cô cũng lo ngại học sinh nói xấu mình trên mạng. Thành viên có tên Spec Tre cho rằng học sinh truy cập Facebook nói xấu giáo viên, nếu đúng sự thật thì giáo viên đó cũng cần xem lại mình, lãnh đạo nhà trường phải xem lại giáo viên của họ. Nhưng học sinh lợi dụng mạng xã hội để đặt điều, nói xấu, bôi nhọ danh dự thầy cô cũng cần nghiêm khắc xử lý.
Cũng trên Facebook, thành viên có tên Phạm Thành Trung lại cho rằng trong môi trường mạng xã hội, khó ai có thể kiểm soát hết hành vi của chính mình, thế nên bản thông báo chỉ có tính chất giúp mỗi người tự ý thức và điều chỉnh hành vi. Còn thành viên Shude thì bình luận, cách làm này cho thấy nhà trường nếu không quản được thì cấm, thay vì dạy học sinh tôn trọng thầy cô thì lại tìm cách cấm đoán và “Ngoài Facebook vẫn còn vô số mạng khác, trường có cấm hết được không”. “Một sự kiện thiếu suy nghĩ khi được đưa lên mạng xã hội, tự khắc nó sẽ bị xã hội “ném đá” chứ không còn thuộc phạm vi trong nhà trường nữa”, thành viên này bày tỏ.
Cần có kênh tiếp nhận chia sẻ của học trò
Ủng hộ cần phải có quy định xung quanh việc sử dụng Facebook và các trang mạng xã hội khác, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ: “Mới đây trường tôi cũng tổ chức một buổi tọa đàm học sinh toàn trường về việc nên sử dụng Facebook như thế nào thì phù hợp. Học sinh được khuyến khích sử dụng Facebook như một kênh thông tin, giao tiếp lành mạnh. Sau đó, trường cũng đã ban hành một văn bản mang tính nhắc nhở đối với học sinh khi sử dụng Facebook với 10 điều”.
Với mỗi quy định đưa ra, Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng đều kèm những lý giải. Mỗi học sinh phải cam kết với nhà trường chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói của mình trên các trang mạng xã hội, không sử dụng Facebook để nói những điều bậy bạ, ảnh hưởng hoặc xúc phạm đến nhân phẩm hoặc quyền riêng tư của người khác…
Tiến sĩ Lâm cũng nhận định: “Hiện nay, việc tiếp nhận những góp ý và chia sẻ, tâm sự của học sinh ở hệ thống trường phổ thông của chúng ta còn quá hạn chế. Học sinh không có kênh nào để góp ý về giáo viên, không có phòng tư vấn tâm lý học đường… Chính điều đó đã nảy sinh những ức chế trong lòng học sinh”. Ông Lâm cho biết, ở trường ông mỗi học kỳ nhà trường lại phát phiếu nhận xét, góp ý để học sinh nhận xét về giáo viên của mình, học sinh không bắt buộc phải điền tên vào những phiếu khảo sát này. "Qua những kênh thông tin như vậy, nhà trường sẽ có hướng điều chỉnh hoạt động, cũng như nắm bắt được tâm tư của học sinh", ông Lâm nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng nhà trường nên thay đổi cách quản lý và giao lưu với học sinh, cần dân chủ, cởi mở chứ đừng quá áp đặt giới trẻ như hiện nay. Cần tạo những diễn đàn, những hộp thư góp ý, những kênh thông tin đa dạng để học sinh có thể chia sẻ tâm tư và cả những điều bức xúc, chưa hài lòng của mình. Có như vậy, học sinh mới không cảm thấy “bí bách” dẫn đến những phát ngôn bậy bạ, không đúng chỗ.
Ý kiến Cần kết nối hơn là cấm cản Con người càng mở rộng tầm mắt thì sự phát triển sẽ toàn diện hơn. Khi tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, họ sẽ lớn nhanh hơn. Mạng xã hội cũng có người tốt người xấu. Vì vậy, không nên cấm. Tư duy người lãnh đạo nên mở rộng hơn cho người dân, có như vậy xã hội mới phát triển nhanh được. Tất nhiên, cái gì cũng có mặt xấu mặt tốt, xã hội và gia đình cần định hướng hơn là cấm cản! (Nguyễn Trung Hải/ haint1956@yahoo.com.vn) Tạo nhiều sân chơi cho học sinh Nhà trường nên tạo ra các hoạt động, sân chơi mà các học sinh thích tham gia trước đã rồi hãy nói cái gì tốt cái gì xấu bên ngoài. Bản thân trường học không thu hút nổi học sinh đã là cái tội lớn rồi. (Blue/arltic@yahoo.com) Chỉ có thể uốn nắn Tôi biết trước một cách chắc chắn là không thể cấm được vì đâu dễ quản lý người sử dụng internet, không biết các vị đang có ý định này có nghĩ như thế không? Nếu cũng thấy vậy thì xin đừng xướng lên, hô to rồi không làm được sẽ mất uy. Cái uy dành cho việc khác khả thi, việc này chỉ có thể uốn nắn, định hướng mà thôi. (Manh Dung /manhdung49@gmail.com) Cấm sao được mà cấm ! Người VN chúng ta có một nghịch lý, bất cứ cái gì cấm thì hay có nhiều người vi phạm. Mạng xã hội là phản ảnh một phần hiện tượng xã hội, mà trong xã hội thì có tốt, có xấu luôn đan xen vào nhau. Cấm sao được mà cấm. Nhưng đối với học sinh, sinh viên thì nên định hướng cho họ, vì họ còn trẻ người non dạ, còn bồng bột, đôi khi thích chơi nổi mà không biết hậu quả bị đánh giá thế nào. Hãy nói với họ rằng: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, và nói cho họ biết văn hóa con người thế nào cũng thể hiện qua lời ăn tiếng nói. (Lê Văn Nhung /nhunglv@gmail.com) |
Tuệ Nguyễn - Phan Hậu
>> Kết nối thanh niên qua mạng xã hội
>> Có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội ?
>> Mở mạng xã hội kết nối tài năng trẻ
Bình luận (0)