Công ty TNHH xây dựng Tokyu (Nhật Bản), nhà thầu thi công gói thầu số 3 của dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) đã yêu cầu chủ đầu tư là Bộ GTVT phải bồi thường 200 tỉ đồng do chậm tiến độ bàn giao mặt bằng tới 1,5 năm.
Câu chuyện này đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường dẫn ra trong buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội, như một tiền lệ khi nói về tình trạng chậm trễ kéo dài trong giải phóng mặt bằng (GPMB), để lại hệ lụy lớn thế nào tới các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay ODA.
Cũng theo ông Trường, vì đây là dự án sử dụng vốn vay nên vấn đề đang được xử lý nội bộ, sao cho hài hòa lợi ích và vẫn giữ được mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhưng với những gì ông Trường tiết lộ, “phần đúng thuộc về nhà thầu nhiều hơn” thì việc phải bồi thường 200 tỉ đồng là khả năng rất lớn. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, các bên liên quan sẽ chịu trách nhiệm về khoản bồi thường này. Nhưng rõ ràng dù là bên nào thì vẫn từ ngân sách, bởi ngoài vốn vay, dự án sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và phần vốn dành cho GPMB và xây nhà tái định cư cũng từ ngân sách của Hà Nội.
Thực tế, những gói thầu trong ngành giao thông chậm tiến độ do GPMB như ở cầu Nhật Tân không phải chuyện hiếm. Có những dự án chậm tiến độ tới 4 - 5 năm cũng chỉ vì lý do các địa phương không đạt được thỏa thuận GPMB với người dân. Nếu các nhà thầu trong nước đã quen với cung cách làm việc ì ạch, thiếu chuyên nghiệp này, hoặc thậm chí mượn cớ chậm GPMB để kéo dài thời gian thi công, hưởng lợi thêm từ phần chênh lệch trượt giá, thì các nhà thầu ngoại tại các dự án ODA - thường quy định rất chặt chẽ bổ sung chi phí trượt giá trong tổng mức đầu tư - không đời nào chịu thiệt khi lỗi ở phía chủ đầu tư.
Vụ việc nhà thầu Nhật Tokyu đòi bồi thường là minh chứng rõ nhất. Trong vụ việc này, chịu thiệt lớn nhất là ngân sách khi phải đền bù cho một việc đáng lẽ đã không xảy ra, nếu như các bên liên quan chịu trách nhiệm là Bộ GTVT (chủ đầu tư) và TP.Hà Nội, các quận, huyện (chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng) rốt ráo và có trách nhiệm với từng đồng tiền đi vay, từng đồng vốn ngân sách để giải quyết triệt để khâu GPMB.
Có hai vấn đề mấu chốt khiến GPMB luôn là nút thắt lớn nhất: tiền đền bù không sát với giá thị trường nên người dân phản ứng và việc xây dựng các khu tái định cư quá chậm. Câu hỏi đặt ra là: tại sao vốn có, cơ chế đền bù khá rõ ràng nhưng việc GPMB vẫn tiến hành rất lem nhem? Phải chăng có những mập mờ về quyền lợi, hoặc do không có một chế tài xử lý nghiêm dành riêng cho những cá nhân phụ trách khâu GPMB nên dẫn tới thiếu trách nhiệm?
Câu chuyện cầu Nhật Tân có thể sẽ không dừng lại ở mức là một tiền lệ, mà nguy cơ tái lặp ở nhiều dự án giao thông khác, bởi tình trạng chậm tiến độ do chậm GPMB đang là tình trạng chung. Khi ấy, vốn nhà nước bỏ ra đền bù oan không chỉ dừng lại ở con số 200 tỉ đồng, mà sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi phải có những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn về mặt cơ chế, quy trách nhiệm và xử lý bằng chế tài cụ thể với những tổ chức/địa phương chịu trách nhiệm chính về GPMB.
Mai Hà
Bình luận (0)