Tái hiện hai cuộc chiến
Họa sĩ Đỗ Năm sinh năm 1939, tại tỉnh Nam Hà. Khi vừa 20 tuổi, đáp lại tiếng gọi non sông, ông đã lên đường nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, ông theo học trung cấp mỹ thuật rồi tiếp tục học lên đại học mỹ thuật ở Hà Nội. Đến năm 1980, ông được điều động vào tỉnh Hậu Giang (cũ) để giảng dạy tại trường văn hóa nghệ thuật. Sau đó, ông công tác tại bảo tàng tỉnh Hậu Giang rồi về hưu vào năm 1989.
Đỗ Năm thuộc thế hệ họa sĩ trưởng thành trong chiến tranh khói lửa. Từ thời sinh viên, ông đã xông pha đi vẽ ở những chiến trường ác liệt như: đường 9 Nam Lào, sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị… Cả cuộc đời mình họa sĩ Đỗ Năm tập trung sáng tác hai đề tài: chiến tranh cách mạng và Bác Hồ. Ông tâm sự: “Hiện nay, có rất nhiều họa sĩ tài năng nhưng không có bao nhiêu người biết về chiến tranh. Tôi là người đã đi qua hai cuộc chiến, nên tôi muốn ghi lại ít nhiều cho thế hệ sau”.
|
Đỗ Năm được biết đến như một họa sĩ rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo. Ông sáng tác đủ mọi thể loại, từ tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh ghép bằng các vật liệu khác nhau đến điêu khắc gỗ… Các tác phẩm của ông đã được ghi dấu bằng nhiều giải thưởng. Có thể kể đến huy chương bạc với tác phẩm Chiến thắng Tầm Vu, được làm từ 13 loại hạt lương thực, thực phẩm và huy chương đồng tác phẩm Đua ghe ngo được khắc trên trái điệp tại Triển lãm thủ công mỹ nghệ toàn quốc năm 1987. Năm 2006, ông thực hiện 31 bức tranh được ghép bằng dây điện đủ màu cắt nhỏ, miêu tả hình ảnh Bác Hồ từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Bác trở thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Quần thể 108 tượng
Mô hình Hồ Chí Minh - Người cầm lái cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 là một trong những sáng tác của ông được nhiều người biết đến. Tác phẩm mô phỏng hình ảnh con tàu cách điệu có 3 tầng chính và 2 tầng phụ với quần thể 108 tượng, miêu tả cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Bác.
Điểm mới lạ ở mô hình này là ở số lượng tượng. Theo họa sĩ Đỗ Năm, thường thì người nghệ sĩ làm tượng đơn, tượng đôi, tượng nhóm 3 hoặc 5 người nhưng chưa có ai tạc quần thể 108 tượng như ông. Vốn gắn bó với mảnh đất ĐBSCL, họa sĩ đã quyết định chọn cây quao, một loài cây mọc hoang đặc trưng của vùng đất này để thực hiện tác phẩm. Cây quao có thớ gỗ mềm, mịn và không bị nứt nên rất phù hợp cho việc đẽo gọt những bức tượng nhỏ.
|
Tác phẩm Hồ Chí Minh - Người cầm lái cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 tái hiện 2 cuộc chiến tranh gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Họa sĩ đã dựng lại cả một quá trình, từ khi dân tộc ta còn chìm trong áp bức đến khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng vùng lên. Rồi khí thế sôi sục của toàn quân, toàn dân đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Mô hình được họa sĩ Đỗ Năm thực hiện ròng rã suốt 2 năm. Cả quần thể tượng được đẽo gọt công phu đến từng đường nét, chi tiết.
Hiện nay, họa sĩ Đỗ Năm là hội viên Hội Mỹ thuật TP.Cần Thơ và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Khi được hỏi về quan niệm nghệ thuật mà ông đã mang theo suốt cuộc đời, họa sĩ trả lời thật giản dị: “Mình làm nghệ thuật là phải yêu nghề, nhiệt tình, luôn luôn tìm tòi để phục vụ cuộc sống”. Họa sĩ ví von nghệ thuật như một cô gái đẹp, đã yêu thì phải yêu cho đến già, đến chết. Ở tuổi 74, người họa sĩ già vẫn cần mẫn sáng tác bên cạnh người bạn đời thủy chung, đã chia sẻ cùng ông niềm đam mê nghệ thuật suốt mấy chục năm qua.
Hương Giang
Bình luận (0)