|
Hỏi mới hay số đào đó do người xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch mang đến bán. Ngày trước, loại đào rừng này được trồng ít, chủ yếu người dân mang về trồng làm cảnh ngày xuân. Bây giờ bán chạy nên nhiều nhà trồng, cứ đến tết lại tỉa cành mang đi bán. Cành to, hoa nở nhiều rất đẹp mà giá vừa phải nên được nhiều người chú ý và chọn mua. Cành to nhất giá cũng chỉ 350.000 đồng - 400.000 đồng, còn nhỏ thì 80.000 - 100.000 đồng. Tính ra có gia đình bán được 2,3 triệu đồng mỗi tết.
Đời sống kinh tế của người dân Lý Trạch còn khá khó khăn nên số tiền thu được đó không hề nhỏ chút nào. Cứ mỗi dịp tết về, khắp xóm làng lại rộn ràng hẳn lên khi số thanh niên í ới rủ nhau lên rừng săn đào. Tôi được Tí đồng ý gia nhập nhóm săn đào. 4 giờ sáng, khi gà vừa cất tiếng gáy đầu, bầu trời lạnh lẽo còn chìm trong bóng tối và sương nặng hạt thì chúng tôi đã xếp xong đồ đạc lên xe. Địa điểm “tác chiến” của nhóm là vùng rừng thuộc địa bàn các xã Hưng Trạch, Tây Trạch. Sau một chút hội ý, nhóm 5 người bắt đầu chia ra tìm kiếm. Tí hóm hỉnh: “tìm không có thì ta lại về”. Nói vậy chứ cả nhóm đặt chỉ tiêu hôm nay phải tìm được ít nhất 2 cây làm vốn. Theo kinh nghiệm của Tí thì đào thường mọc ở những nơi thoáng đẹp, gần suối, đất đai tốt chứ không khô cằn. Tí bảo, đào là loài cây thanh tao, cả năm ấp ủ để đợi xuân về khoe sắc.
Nhưng đi hoài mà chẳng thấy bóng dáng đào đâu, khuôn mặt Tí buồn hẳn. Lội qua thêm một con suối, chừng khoảng 50m nữa bỗng nhiên Tí reo lên. Cả lũ háo hức nhìn lên phía trước, đúng là có 1 cây đào chừng 5 năm tuổi đang e lệ đung đưa trước gió. 20 ngày nữa là tết, đào chớm nụ rất đẹp, hoa cũng đã lác đác nở. Tí lấy cây rựa cọ cọ vào gốc cây đánh dấu sau đó… quay về. Anh chàng giải thích “đợi đến giáp tết, khi bắt đầu vào vụ cao điểm bán mới lên chặt, giờ chưa bán được, chặt về lại hỏng mất”. Theo Tí nhẩm tính, cây 5 năm tuổi đó chia ra ra cũng được khoảng 5 cành, gặp giá tốt bán cả cũng gần 2 triệu đồng.
Không chỉ đi chặt đào rừng, ở Lý Trạch, cùng với việc tăng gia sản xuất, trồng nhiều hoa phục vụ tết như cúc, ly thì bà con còn chú trọng đến việc trồng đào rừng để chặt mang đi bán kiếm tiền mua lại các vật phẩm khác. Nhiều em học sinh nhà nghèo phải đạp xe đạp chở đào đi mấy chục cây số vào thành phố bán kiếm tiền mua sách vở. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên nụ cười tươi rói và đôi mắt sáng lên sung sướng khi bán được một cành đào của cậu học sinh lớp 10 tên Lượng cách đây 4 năm. Lúc đó, vừa cột cành đào lên xe cho khách, Lượng vừa tâm sự: “Nhà em trồng nhiều đào rừng lắm, trồng để bán lấy tiền sắm tết. Anh xem cành đào to đẹp như ri mà chỉ có một trăm nghìn thì ai không thích chứ. Hôm ni bán hết mai chúng em tiếp tục chở xuống bán”.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)