Khổ vì quy định lỗi thời - Kỳ 2: 7.000 đồng/ngày tiền son phấn

30/01/2013 00:00 GMT+7

So sánh định mức, chi phí cho cán bộ, công chức giữa các ngành, có lẽ ngành văn hóa, giáo dục được xếp vào hàng thấp bét bảng và “ốm đói” nhất. Nhiều quy định từ thuở xa xưa giờ vẫn đang tồn tại, chậm sửa đổi kìm kẹp, bó buộc hoạt động nghệ thuật của diễn viên.

Tuyên truyền viên N.V.Đ thuộc Trung tâm văn hóa (thuộc Sở VH-TT-DL Bắc Giang) nhăn nhó kể lại những ngày về các xã, bản làng vùng sâu, vùng xa tuyên truyền văn hóa mà giờ vẫn thấy ớn lạnh. Nhảy múa, hát hò khản cả giọng nhưng mỗi ngày chỉ được bồi dưỡng 30.000 đồng/người. Oái oăm hơn, mỗi lần lên sân khấu phải trang điểm cho bóng bẩy một chút thì mỗi người cũng chỉ được chi 7.000 đồng tiền phấn sáp. “Anh em tuyên truyền viên toàn đánh nhờ phấn sáp của chị em, chứ 7.000 đồng mua thỏi son Trung Quốc còn chả đủ”, anh Đ. cám cảnh nói. 

7.000 đồng/ngày tiền son phấn
Minh họa: DAD

Anh Đ. chia sẻ thêm, mỗi chuyến lưu diễn về xã nào “hoành tráng” thì còn được mời cơm, còn không anh em trong đội tuyên truyền đành phải tự mò mẫm kiếm ăn. Nhưng với 30.000 đồng cho cả bữa trưa, bữa tối, bữa sáng cũng không biết ăn gì. “Phận tuyên truyền viên khổ thế đấy anh, phục vụ bà con cả buổi, nhiều lúc ăn ít, đói quá bị tụt hơi hát không nổi. Tôi nghe nói, từ mấy năm trước, Bộ VH-TT-DL hứa sẽ nâng mức này lên 50.000 đồng/người, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì cả”, anh Đ. buồn rầu nói.

Cũng cám cảnh chẳng kém các tuyên truyền viên, hiện nay các vận động viên từ bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… cũng đều rơi vào cảnh ngộ vác bụng đói đi thi đấu. Cơ sự cũng từ những mức chi phí bồi dưỡng thấp khó có từ nào để tả. Anh G. (một vận động viên của tỉnh Lai Châu) cho biết hiện tỉnh cũng vừa có quy định mới, đối với trưởng ban chỉ đạo, ban tổ chức, trưởng, phó các ban chuyên môn cấp huyện, thị xã mỗi ngày được chi bồi dưỡng 65.000 đồng/người; thư ký, trọng tài 40.000 đồng/người. Thảm hại hơn, các vận động viên chỉ nhận được 80% mức quy định trên. “Nhưng đó là các vận động viên có thành tích cao trên địa bàn, còn các vận động viên làng nhàng ốm đói hơn nhiều. Có người lên sàn mà bụng đói meo, đánh bóng, múa kiếm mà mắt hoa cà hoa cải hết cả thì làm sao thi đấu”, anh G. thổ lộ.

Ngân sách eo hẹp, đặc biệt ngân sách cho ngành văn hóa càng eo hẹp hơn khiến đời sống vận động viên, cán bộ phục vụ đời sống tinh thần của bà con luôn trong cảnh khó khăn chồng chất. Nhưng điều đáng nói, quy định cổ hủ, lạc điệu so với mức chi phí, mức tăng giá cả hàng hóa hiện nay vẫn cứ tồn tại hết năm này qua năm khác. “Giá cả cứ tăng vù vù hằng ngày, còn chi phí anh em cán bộ văn hóa vẫn cứ bết bát, ì ạch ròng rã cả hàng chục năm nay. Mỗi lần thấy anh em mặt mày phờ phạc diễn xong, ngồi ăn bánh mì, gặm ngô mà chúng tôi cũng ứa nước mắt”, ông L. - một cựu lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.

Anh Vũ

>> Chỉ được uống... 300 đồng!
>> Khổ vì quy định lỗi thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.