Nhưng lấy tiền đâu để thực hiện ước mơ ấy? Dịp may đã đến, nhân chuyến công tác Hà Nội, tôi dẫn ông đi cùng.
Cuối năm 2008, Hồ Giáo cùng tôi ra bắc. Trước khi trở lại Ba Vì, chúng tôi lưu lại Hà Nội một đêm. Hầu như ông Giáo trằn trọc cả đêm. Sáng ra, thay vì vui vẻ, mặt ông lại đăm chiêu, không nói lời nào. Thế nhưng khi bước lên xe để trực chỉ Ba Vì, đôi mắt già nua ấy sáng lên khác thường. Rồi bất chợt ông rưng rưng. Hơn 30 năm rồi Hồ Giáo mới có dịp trở lại mảnh đất mà ông đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình. Trở lại Ba Vì, ông Giáo như chim được thả về rừng.
Tuổi đã ngấp nghé tám mươi rồi mà bước chân ông cứ thoăn thoắt trên những con đường làng, trên những cánh đồng bời bời cỏ ngập, xanh rờn trong nắng mai. Trở lại Ba Vì không chỉ là ngược về quá khứ để gặp lại một thời trai trẻ mà còn trả Hồ Giáo về đúng “cánh rừng” quen thuộc của ông. Những cô thiếu nữ Đội 8 của Nông trường Ba Vì năm xưa, giờ đã lên lão, đón Hồ Giáo bằng những cái bắt tay ấm áp, bằng những ánh nhìn trìu mến thân thương. Chuyện cũ vỡ òa trên từng gương mặt với nhiều nếp nhăn nhưng luôn rạng ngời hạnh phúc. Đã hơn 30 năm rồi, họ luôn chờ đợi buổi trùng phùng này.
|
“Sư phụ” bác sĩ thú y
Hồ Giáo cùng các “thiếu nữ Đội 8” đi thăm lại ngôi nhà mà gần 50 năm trước, ông đã từng ủ ấm cho “cô bê 20”. Ngôi nhà bây giờ được giao khoán cho một chủ hộ với 17 con bò sữa. Ông Giáo cúi xuống nhặt nắm cỏ voi và bỏ vào máng. Thấy con bò sữa đứng dậy khó khăn, ông nói ngay với anh Đoàn Hữu Thành, chủ trại bò: “Con bò bị đau móng rồi anh!”. Thành ngạc nhiên: “Sao bác biết giỏi vậy? Nó bị đau hai tuần nay, cháu tiêm kháng sinh rất nhiều mà vẫn không khỏi”. Ông Giáo nhỏ nhẹ: “Khỏi làm sao được! Anh nên đưa nó ra khỏi chuồng, để chân nó tiếp xúc trực tiếp với đất, sẽ khỏi ngay thôi, để đi trên nền xi măng thế này, chích thuốc kiểu gì cũng không bớt bệnh đâu”. Thành là bác sĩ thú y nhưng nghe Hồ Giáo phân tích về căn bệnh của con bò và cách chữa trị, anh bái phục “sư phụ” luôn! Sẵn dịp, tôi giới thiệu với Thành: “Bác Hồ Giáo đó!”. Đang bưng chậu nước trên tay, Thành suýt đánh rơi. Anh buột miệng: “Hèn gì!”.
Tôi chỉ vào hai con bò sữa rồi hỏi vợ Thành: “Hai con này, con nào cho sữa nhiều hơn?”. “Con có khoang trắng nhiều hơn khoang đen 3 lít/ngày. Con trắng thì mẹ nuôi, con đen thì con gái chăm”. Thành trả lời thay vợ. Nghe vậy, Hồ Giáo hỏi: “Anh biết vì sao không?”. Thành lắc đầu, ông Giáo tiếp: “Con đen do con gái chăm, cho sữa nhiều hơn, không phải vì con gái chăm tốt hơn mẹ mà vì cháu không vác nổi một lúc cả chục ký cỏ cho vào máng. Nó cứ bỏ vài nắm rồi đi đánh đáo. Cho ăn kiểu đó, con bò luôn trong trạng thái thòm thèm, ăn miếng nào là tiêu hóa ngay miếng đó nên sữa tiết ra nhiều. Còn con trắng mẹ nó chăm, bận việc nhà nên vất một lúc cả chục ký cỏ vào máng rồi lo làm chuyện khác. Con bò lúc nào cũng cảm thấy ngán cỏ, dù bụng vẫn đói. Sữa tiết ra ít hơn là vậy”. Thành lại tôn Hồ Giáo “sư phụ” lần nữa. Chẳng qua trường lớp nào, chỉ bằng kinh nghiệm và lòng đam mê, Hồ Giáo đã “qua mặt” luôn cái anh bác sĩ thú y, từng mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường suốt mấy năm trời!
“Sữa Hồ Giáo”
Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm tại nhà cụ Bản - một trong những “thiếu nữ Đội 8”. Cơm có canh chua nấu với cá được vớt dưới ao. Nồi canh chua làm cụ Bản nhớ lại: “Hồi ấy, ở vùng này toàn bộ đội đóng quân, chỉ có anh Giáo mới được vào khuôn viên của bộ đội cắt cỏ. Mùa mưa, cá từ các ao nuôi cứ vọt lên bờ nằm chắn lối đi. Hễ phát hiện con cá nào, anh Giáo lại bắt thả xuống ao, trong khi chỉ cần bỏ một con vào giỏ cỏ cũng chả ai thấy. Anh Giáo là người như vậy đó”. Ông Giáo phân bua: “Cá đó là của nhà nước, mình lấy sao được?”. Hèn chi, suốt trong những tháng nhà văn Văn Biển thâm nhập thực tế để viết Cô bê 20, ông Giáo đã “đãi” nhà văn toàn châu chấu cào cào!
Dọc đường lên Sơn Tây, có nhiều cửa hàng bán sữa, họ treo tấm biển thật ngộ nghĩnh: “Sữa Hồ Giáo”. Hóa ra, Hồ Giáo đã rời Ba Vì trên 30 năm rồi mà “vía” của ông vẫn còn lưu lại nơi này. Ông đã thành “thương hiệu” cho những người bán sữa tại đây. Chúng tôi ghé vào một cửa hàng bán “sữa Hồ Giáo”. Chủ cửa hàng là một cô gái mới ngoài 20 nhưng đã tay bồng tay dắt. Thấy chúng tôi, cô đon đả: “Các chú dùng sữa gì ạ? Sữa bánh hay sữa tươi ạ?”. Tôi giả vờ nghiêm mặt: “Ai cho cô lấy tên Hồ Giáo để treo biển thế này? Cô có biết Hồ Giáo là ai không?”. Thấy mặt tôi có vẻ “hình sự”, cô nhỏ nhẹ: “Dạ, cháu không biết ạ. Nghe chồng cháu nói, ngày xưa ở vùng này có ông Hồ Giáo nuôi bò rất nổi tiếng nhưng lớp trẻ tụi cháu khi lớn lên, không ai biết về Hồ Giáo nữa. Để ghi nhớ công của ông nên tụi cháu lấy tên ông để đặt tên cho cửa hàng mình đấy ạ”.
Rồi cô khoe tiếp: “Trước đây, cửa hàng cháu lấy tên khác, bán ế lắm, kể từ khi lấy tên Hồ Giáo, bán được lắm ạ. Chồng cháu cũng mở thêm một cửa hàng lấy tên Hồ Giáo tại Lương Sơn, Hòa Bình đấy”. Tôi bảo: “Không được! Anh chị phải nộp ngay tiền bản quyền cái tên Hồ Giáo, nếu không, chúng tôi sẽ kiện! Cô có biết ông cụ này là ai không? Bác Hồ Giáo đấy!”. Nghe vậy, cô chủ quán xuýt xoa. “Ôi quý hóa cho con quá. Như thể nằm mơ ấy cụ ạ”. Nói rồi cô bấm ngay điện thoại “a lô” cho chồng tận Hòa Bình: “Anh về ngay, ông Hồ Giáo đến nhà mình này!”. Chúng tôi không nghe nội dung cuộc đàm thoại của đôi vợ chồng trẻ ấy nhưng đoán là anh chồng đang bỏ cửa hàng trên Lương Sơn về gấp để được một lần diện kiến nhân vật mà họ đã đặt tên cho hai cửa hàng của mình. Sợ chúng tôi rời quán, cô chủ năn nỉ: “Ông và chú đợi chồng con một lát, anh ấy sẽ về ngay, sẽ tính “bản quyền” cho cụ ạ”. Cả tôi và ông Giáo bật cười, cảm ơn cô chủ quán và hứa sẽ quay trở lại.
Rời Ba Vì mà lòng Hồ Giáo nặng trĩu ưu tư. Ông nói khẽ với tôi: “Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nhìn Ba Vì, anh ạ”. Vâng, có thể là như thế. Nhưng Ba Vì luôn xanh thẳm trong ông.
Trần Đăng
Bình luận (0)