Làm dâu trăm họ

09/02/2013 05:30 GMT+7

(TN Xuân) Tết là khoảng thời gian duy nhất trong năm các phóng viên Ban Công tác bạn đọc - Báo Thanh Niên được nghỉ xả hơi vài ngày. Nhân lúc mọi người bận rộn ăn tết không đi khiếu kiện, chúng tôi ngẫm lại nghề “làm dâu trăm họ” của mình...

>> Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Thú vị, kỳ lạ!
>> Cùng Tây ăn Tết Việt
>> Sinh viên nước ngoài trải nghiệm tết Việt
>> Trải nghiệm Tết Việt - Nhật
>> Ông Kều' Nagase ăn Tết Việt
>> Khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013
>> Châu Á rộn ràng chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ 2013

Khiếu nại bằng thơ

Đầu tiên là việc chúng tôi thường xuyên nhận được nhiều sáng tác thơ văn gửi kèm theo hồ sơ và vô số lời “hăm dọa”, giận hờn nếu không được giải quyết kịp thời là “chuyện thường ngày ở huyện”. Lạ là chuyện gì cũng có thể “xuất khẩu” thành thơ, kể cả... đơn khiếu nại. Bà Nguyễn Thị Lang (ở 120/4 Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) gieo vần khá hay trong một lá đơn khiếu nại đất đai như thế này: “Tôi đang đốt đuốc đi tìm/Những đồng chí có trái tim nhiệt tình. Rất ngay thẳng và công minh/Để làm sáng tỏ chuyện tình (?) trái ngang. Để làm sáng tỏ nỗi oan/Để cho công lý vẻ vang với đời. Đau thương chồng chất quá rồi/Xin các đồng chí cho người kiểm tra...”.

Oái ăm thay, nhiều bài thơ gửi cho chúng tôi từ thời gian rất lâu, có bạn đọc còn đến tận tòa soạn tìm gặp bằng được phóng viên để... xin lại bản thảo khiến cho người lỡ nhận nhiều phen “thất điên bát đảo”. Cả đống hồ sơ chất cao như núi biết tìm… thơ ở đâu bây giờ, thôi đành năn nỉ “bác sáng tác tặng lại giùm con bài khác, biết đâu hay hơn thì sao?”, nhưng vị bạn đọc lớn tuổi này kiên quyết không chịu. Bác lý giải là cảm hứng chỉ đến một lần nên bắt buộc phải trả lại nguyên văn mới chịu. Gặp đối tượng khó tính và... có lý này, phóng viên phải ngồi lục lại toàn bộ hồ sơ lưu đến toát mồ hôi hột.

Trường hợp một công nhân từ quê nhà Hà Tĩnh vào Nam lập nghiệp. Công việc thức khuya dậy sớm khá vất vả nhưng anh vẫn luôn có chí tiến thân và luôn “mơ trở thành người nổi tiếng”. Vì vậy, anh này gửi đến chúng tôi nguyên cả một tập bản thảo viết tay rất công phu và đề nghị mỗi tuần đăng cho một bài thơ thì khoảng nửa năm anh sẽ làm thi sĩ chuyên nghiệp, biết đâu nhận được giải Nobel văn học! Chúng tôi rất vui vì được anh tin tưởng, nhưng mỗi tuần phải đăng một bài thơ cho anh thì quả thực “lực bất tòng tâm”.

Độc giả Trương Minh Chính (85 tuổi ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) viết thư về Báo Thanh Niên kể chuyện uất ức của gia đình xong còn hăm dọa dữ dội: “Nhiều lúc qua đường tàu bắc - nam tôi muốn liều thân quá nên mong các đồng chí đọc kỹ những lá đơn này về sự tình oan nghiệt của gia đình. Mạng sống của chúng tôi đang nằm trong tay các đồng chí...”. Đọc xong tâm sự ai cũng phát sốt lo cho ông.

Chim và gà

Làm phiếu chuyển đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, trả lời, hằng ngày phóng viên Ban Công tác bạn đọc phải nghiền ngẫm hết toàn bộ hồ sơ của độc giả gửi đến. Đời sống sôi động và muôn mặt nên ngoài những tranh chấp khiếu kiện về đất đai, có biết bao câu chuyện chẳng biết nên cười hay mếu.

Một bạn đọc ở Đắk Nông khi lên Đắk Lắk chơi gặp người bạn giới thiệu xem con vẹt nói được giọng người rất hay. Con vẹt mỗi khi được chủ ra hiệu nó rất lễ phép và chào hỏi vô cùng điệu nghệ. Về tới nhà quá “kết”... chim, anh nọ bèn gọi điện năn nỉ ỉ ôi xin mua cho bằng được. Người chủ con vẹt “chốt” giá 15 triệu đồng. Gom tiền ra ngân hàng chuyển khoản xong thì con vẹt cũng theo đường xe đò về với người mua ở Đắk Nông. Khổ nỗi khi sang tay chủ mới, con vẹt lại chẳng nói tiếng người gì cả. Anh mê chim bèn trút cơn bực tức đến báo, đề nghị phải can thiệp để đòi lại tiền. Khó xử là việc giao kèo mua bán giữa hai bên chỉ là thỏa thuận miệng, chẳng có ai làm chứng. Liên lạc với chủ chim, anh này rất có thiện chí “bật mí” rằng, phải đúng “chính chủ” ra hiệu thì chim mới nghe lời. Cuối cùng, chỉ còn cách chịu trả lương tháng cho chủ chim hướng dẫn... nói thôi.

Nói đến “chính chủ” lại nhớ đến quy định xử phạt xe khi mua bán chưa sang tên. Thời gian đó, điện thoại tòa soạn nóng như lửa vì bạn đọc gọi đến phản ứng kịch liệt. Văn bản thì của cơ quan có trách nhiệm ban hành chứ phải... báo ra đâu mà người dân như xả hết giận dữ vào chúng tôi. Dễ thương nhất là có một số người phản ứng gay gắt một hồi, xong họ lại quay sang xin lỗi, rồi... cúp máy.

Lại nhớ đến vụ “con gà trống” sinh chuyện ở Q.8, TP.HCM. Chuyện là thế này: Đang sống bao lâu nay trong không gian yên tĩnh, tự dưng ông hàng xóm “tậu” ở đâu về đây vô số gà trống nuôi để... cho đá chơi. Trưa nào tiếng gà gáy cũng inh ỏi, cả khu xóm trọ không ngủ được. Bà con hàng xóm tìm đủ mọi cách thương lượng với chủ gà nhưng thất bại, một bạn đọc đến tận tòa soạn Báo Thanh Niên phản ứng, yêu cầu chúng tôi đăng báo để chủ gà không được nuôi nữa, hoặc đơn giản là cấm gà... gáy trưa để cho bà con ngủ. Thiệt là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Làm dâu trăm họ

Bó toàn thân !

Ngoài những nan giải, oái ăm như vậy, phóng viên Ban Công tác bạn đọc còn thường xuyên rơi vào nhiều tình trạng hy hữu. Có độc giả nhà cửa bị giải tỏa hơn 20 năm, khi đến báo khiếu nại được can thiệp hoán đổi đất mới, không có tiền xây dựng, lại đều đặn đến tòa soạn nhờ vận động... 400 triệu đồng để làm nhà. Vậy mà ròng rã đã gần 10 năm nay ông vẫn còn đi xin, khuyên can mãi cũng không chịu.

Rồi có trường hợp người “trốn viện” đến trưng ra giấy chứng nhận bị tâm thần đang điều trị ở trung tâm nhưng vẫn một mực khẳng định là mình không bị bệnh. Để thử nghiệm, họ buộc phóng viên phải ngồi... im để kể đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

Vui nhất là có một ông ở Đồng Nai hay ăn bún bò ở một quán gần nhà và thường xuyên đau bụng. Bị khiếu nại, chủ quán đưa ra giấy tờ vệ sinh an toàn thực phẩm để chứng minh nhưng ông cứ bắt buộc quán phải đóng cửa mới hả dạ. Chúng tôi đặt nghi vấn có thể ông đang gặp vấn đề về đường ruột nên động viên đi khám nhưng ông khách vẫn nằng nặc không chịu. Một hồi, bí quá ông đành thú nhận quán có đầu bếp tay nghề tuyệt vời, ông rất thích nhưng từ ngày bị bệnh bao tử bác sĩ cấm ăn đồ cay, trong khi ngày ngày mùi bún bò thơm phức bay là đà qua nhà nên ông không muốn quán này tồn tại. Thiệt hết biết!

Một năm với biết bao “hỷ nộ ái ố” nhưng chúng tôi vui vì luôn được đồng hành cùng những bạn đọc của mình. Nhờ có họ mà công việc của Ban Công tác bạn đọc thêm phần thi vị, như món ăn ba ngày tết cứ xa lâu lại nhớ. 

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.