Ở nơi chưa có tết

31/01/2013 08:51 GMT+7

Tết là một danh từ xa vời đối với hàng trăm người nhà và bệnh nhân vẫn đang điều trị tại bệnh viện ung bướu K2, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chiều 18 tháng chạp, trên những chiếc ghế đá quanh bệnh viện vẫn la liệt ba lô, túi xách của bệnh nhân mới nhập viện, giường gấp của bệnh nhân đang truyền nước xếp san sát dưới các gốc cây.

Chị Lý Thị Mùi (50 tuổi, quê Hà Giang) ngồi bần thần xúc những thìa cháo trong chiếc cốc nhựa vừa được phát từ một nhóm tình nguyện. Con gái chị đã sang năm thứ hai điều trị ung thư phổi.

“Nó đang học Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang thì thấy đau ngực, khó thở. Mang xuống Hà Nội thì đã giai đoạn hai”, giọng chị nghèn nghẹn.

Ở nơi chưa có Tết
Hai người đàn ông này quê ở huyện Nam Trực, Nam Định cùng đi chăm người nhà bị ung thư vòm họng, họ nằm chung một chiếc giường gấp tại sân bệnh viện 4 tháng nay - Ảnh: Thúy Hằng

Chị Mùi theo con hai năm ròng rã, từ Bạch Mai, bệnh viện K1 rồi K2, tối tối con nằm giường gấp dưới sàn nhà, mẹ thuê giường gấp ra hành lang nằm. Chồng và hai con trai lớn ở nhà trồng ngô, chăn lợn, được bao nhiêu dốc cả vào viện phí, tiền hóa chất cho con út.

“Con bé cũng vô tư lắm, nó bảo với tôi là cũng may con chưa có bạn trai, không thì tội cho người ta quá”.

Cả ngày, chị Mùi chỉ dám ăn một suất cơm 10.000 đồng, mua sữa hay cháo cho con gái 20.000 đồng, ngày nào nhà chùa và đội tình nguyện phát cháo thì hai mẹ con không mất tiền ăn.

“Ngày 25 này, bác sĩ bảo có thể cho cháu về quê ăn tết, ra tết xuống khám lại. Nhưng tôi thiết gì đến tết hai năm nay”, chị Mùi bảo.

Khoa nhi chiều cuối năm vẫn nườm nượp người. Tiếng khóc át tiếng nói. Trên dãy ghế nhựa dọc hành lang, những cậu bé đầu loe hoe vài sợi tóc, cổ, mang tai xanh lè màu mực đánh dấu vị trí xạ trị đã biết đòi bố uống sữa và chơi điện tử một lúc trên điện thoại.

Trong căn phòng hậu phẫu đã chật kín bệnh nhân, một cháu gái 3 tuổi bị ung thư xương, vừa mổ đùi cứ khóc ngằn ngặt “bố ơi, cứu con, đau chân, đau chân!”.

Ông bố tên Tuấn Anh trên 30 tuổi, vừa ôm túi quần áo, vừa loay hoay bế cô con gái bọc trong chiếc chăn đặt xuống cái cáng dưới gầm giường vừa dỗ: “Bố biết rồi, biết rồi, bố xin lỗi con...”.

Một bệnh nhân thấy tội nghiệp, tình nguyện xuống nằm sàn, nhường cháu bé nằm cạnh một bà cụ trên 60 tuổi vừa mổ u gan.

“Nó ở Ứng Hòa, ngày vào đây mẹ nó cũng vào viện sinh em bé nên chỉ có hai bố con xoay xở từ phòng phẫu thuật, rồi hậu phẫu. Bốn tháng mà nó mổ hai lần rồi”, một ông già 70 tuổi, quê Văn Lâm, Hưng Yên đi chăm vợ bị ung thư hạch, giai đoạn cuối thương xót.

“Chuyện khóc ở bệnh viện này thành cơm bữa. Con khóc bố, cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng. Bệnh tật thì có chừa ai đâu”, ông già bảo...

Đêm cuối năm ở bệnh viện dài lê thê. 11 giờ đêm, dọc các hành lang giường gấp xếp la liệt, không biết nam hay nữ vì ai cũng trùm kín chăn, tránh muỗi.

“Dãy trọ” lộ thiên trước khoa Nhi với hơn 10 cái giường gấp đã mắc màn xong xuôi. Tai màn được buộc vào một bên ghế nhựa, một bên ghế đá, thấp lùng bùng nhưng còn hơn để muỗi đốt.

Minh (20 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và mẹ nằm hai đầu trên một cái giường gấp mới thuê 10.000 đồng/ngày.

“Em mua cái giường 180.000 đồng. Sáng ra khóa vào một góc sân rồi, nhưng tuần trước, mấy chục cái giường đều bị ai cắt khóa, khiêng đi đâu mất. Em và mẹ thuê chung một cái cho ít tiền. Gần tết mọi người về hết chứ tháng trước, chập tối mà không xí chỗ thì không có chỗ đặt giường đâu”, Minh kể.

Em trai Minh 18 tuổi, bị ung thư xương, điều trị ở bệnh viện Việt Đức một năm lại đưa xuống đây. Minh học Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội, tranh thủ nghỉ tết xuống chăm em. Hai chị em gần ngang tuổi nhau, nhìn Minh dỗ em ăn cháo, nói đùa em là vẫn đẹp trai, trông hai em như đôi bạn thân. Minh ngày nào cũng động viên em cố gắng ăn uống để 27 tháng này về Vĩnh Phúc ăn tết, tết ở bệnh viện buồn. 12 giờ đêm, hai mẹ con Minh vẫn thức, tiếng trở mình trên những chiếc giường đã dãn lò xo kêu cọt kẹt, tiếng thở dài lan từ giường này sang giường kia thành chuỗi âm thanh buồn tê tái...

Ngoài con đường Tựu Liệt nhỏ xíu dẫn vào bệnh viện ung bướu K2 là Hà Nội đang rực rỡ đón tết. Với cô Mùi, anh Tuấn Anh, mẹ con em Minh hay hàng trăm người nhà, bệnh nhân đang chống chọi với tử thần tại các bệnh viện, tết sẽ đến muộn hơn, khi họ chiến thắng được số phận...

Thúy Hằng

>> Mang Tết sớm đến cho bệnh nhi ung thư
>> Tết sớm trên đảo Sinh Tồn
>> Vui tết sớm cùng người khó khăn
>> Tết sớm ở làng hoa truyền thống
>> Tết sớm ở làng Cam
>> Tết sớm với trẻ em nghèo vùng xa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.