Công khai thông tin để giám sát trong Đảng hiệu quả

02/02/2013 03:25 GMT+7

PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm trên khi trao đổi với báo giới về vấn đề giám sát trong Đảng hiện nay bên hành lang Hội thảo khoa học về đổi mới chính trị, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2013).

Trách nhiệm của Đoàn trong phát triển Đảng

Công khai thông tin để giám sát trong Đảng hiệu quả 
PGS-TS Lê Quốc Lý

Thưa ông, nhiều tham luận gửi tới hội thảo khoa học đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để ngăn ngừa tình trạng suy thoái đạo đức và tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Nhiều ý kiến cho rằng chất vấn trong Đảng sẽ là hình thức giám sát hữu hiệu nhưng đến nay quy chế này chưa được thực thi?

Chất vấn trong Đảng là việc rất tốt, tuy nhiên, để chất vấn được thì người chất vấn phải hiểu được vấn đề, phải có đủ thông tin. Nếu chất vấn không có thông tin thì không làm được, mà khi đưa ra vấn đề gì phải có chứng cứ, tức cơ chế để chất vấn phải có điều kiện đi kèm là thông tin được công khai, phải có tài liệu, số liệu hoặc cơ chế giám sát từ xa, từ cộng đồng hay đâu đó để phát hiện ra hiện tượng. Giống như hiện tượng tiêu cực chỗ này mất tiền, chỗ kia mất tiền để chạy việc, chạy chức, chạy tội… nhưng khi điều tra không ra đâu cả, đó là vì thiếu thông tin, tin truyền miệng thì có, người này nói với người kia có vẻ như sự việc có thật nhưng nói đến bằng chứng thì không có.

 
Lấy phiếu tín nhiệm tôi cho là rất tốt nhưng chính Nghị quyết T.Ư 4 nói là có lợi ích nhóm cho nên lấy phiếu cũng phải tổ chức một cách thực sự hiệu quả, nếu không cũng lại gắn với lợi ích nhóm

Vậy nên, muốn cơ chế chất vấn có hiệu quả, phải công khai minh bạch từ cơ sở. Thông tin về các loại hoạt động của các cấp phải rõ ràng, ngay từ người lãnh đạo, anh công tác ở đâu, sống ở chỗ nào, đi du lịch có tận dụng tiền ngân sách, có dùng vé máy bay, mua cho cả vợ con gia đình từ tiền công để đi không? Ở khách sạn bằng tiền gia đình hay tập thể… Tất cả vấn đề phải minh bạch thì người ta mới chất vấn được.

Theo lộ trình thì trong năm 2013 này, cùng với việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Đảng cũng sẽ có quy chế lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Để có cơ sở cho việc lấy phiếu tín nhiệm, có nên quy định bắt buộc thực hiện chất vấn trong Đảng để làm tiền đề pháp lý cho việc đánh giá tín nhiệm trong Đảng hay không?

Lấy phiếu tín nhiệm tôi cho là rất tốt nhưng chính Nghị quyết T.Ư 4 nói là có lợi ích nhóm cho nên lấy phiếu cũng phải tổ chức một cách thực sự hiệu quả, nếu không cũng lại gắn với lợi ích nhóm. Bởi người có nhiều phiếu chưa chắc đã là anh có uy tín, người thực sự cống hiến cho dân cho nước và người ít phiếu cũng chưa chắc đã là người xấu, không đủ năng lực. Việc này vì vậy cần gắn với cơ chế chất vấn, cơ chế công khai minh bạch, kiểm tra giám sát để làm sao không quy tụ lợi ích nhóm lại, vận động mua phiếu. Mà rõ ràng, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên tha hóa thì nói thật cái đó cũng sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu và thế thì việc bỏ phiếu cũng chưa phải là chính xác.

Quốc hội đã rất thành công trong việc tiến hành chất vấn trực tiếp, truyền hình rộng rãi cho cử tri cả nước theo dõi. Để tạo đột phá trong đổi mới hoạt động của Đảng tới đây theo hướng ngày càng phát huy dân chủ, Đảng có nên công khai các phiên chất vấn để người dân được biết, tham gia giám sát?

Quốc hội hoạt động vừa qua rất công khai và hoạt động chất vấn vừa qua được tổ chức rất tốt. Tuy nhiên, Quốc hội hoạt động trên cơ chế cơ quan lập pháp còn Đảng là theo cơ chế của một tổ chức do đó có một số vấn đề nên công khai trực tiếp, còn đòi hỏi công khai toàn bộ các nội dung cũng khó. Ví dụ một số cuộc họp, nội dung nào đó cũng nên tổ chức công khai. Cái này phải nghiên cứu thêm và tính toán kỹ xem khâu nào nên công khai, khâu nào nên để cho các đảng viên chất vấn trong nội bộ Đảng để có sự tranh luận thật tốt, để tìm ra chân lý trong Đảng.

Trước nay vẫn có nhiều nhận định về tình trạng chạy chức chạy quyền trong bộ máy và một trong những nguyên nhân là do công tác nhân sự vẫn theo quy trình khép kín. Có nên chọn lĩnh vực này để công khai chất vấn trong Đảng và coi đó như là sự đột phá thể hiện quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 không, thưa ông?

Tôi cho rằng thời gian qua công tác này (công tác cán bộ - PV) Đảng đã làm rất tốt nhưng cũng phải nói thật là vẫn còn những yếu kém, ở đâu đó vẫn có chạy chức chạy quyền, ở đâu đó vẫn còn tình trạng ê kíp (theo hướng tiêu cực), thân quen... Bộ máy tổ chức của chúng ta để thực sự tìm được người tài thì cần làm nhiều việc hơn nữa vì hoạt động bộ máy chưa hiệu quả xuất phát từ yếu tố con người. Để trả lời cụ thể cần bàn thêm nhưng công tác tổ chức cần chặt chẽ hơn nữa vì nếu không cẩn thận thì việc lấy phiếu nếu có biểu hiện lợi ích nhóm sẽ đánh đổ những cán bộ tốt, có năng lực. Nếu chỉ lấy phiếu, không cẩn thận còn là cơ hội cho kẻ xấu lọt vào hàng ngũ, bằng quen biết, tiền bạc... rất nguy hiểm.

Vì vậy, cần rất nhiều khâu, từ kiểm tra, giám sát điều tra trong nội bộ cho đến giám sát của nhân dân, càng minh bạch về công tác cán bộ thì càng tìm ra được người chân chính, còn nếu chỉ qua lấy phiếu, không cẩn thận, sẽ làm suy yếu hệ thống. 

Trách nhiệm của Đoàn trong phát triển Đảng

Phát triển Đảng vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của tổ chức Đoàn, đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10. Trong 5 năm qua (2007 -2012), toàn Đoàn đã giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp hơn 522.000 đảng viên, tỷ lệ đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú ngày càng cao so với tổng số đảng viên được kết nạp hằng năm, riêng năm 2011 đạt 67,5%. Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ bổ sung cho Đảng những “nhà chính trị trẻ tuổi”, tình nguyện và tự giác phấn đấu vì dân, vì nước trông chờ phần lớn vào tổ chức Đoàn.

Từ góc nhìn trên, tổ chức Đoàn lại càng thấy rõ trách nhiệm của mình khi Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) của Đảng nhận định “một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các bài phát biểu về quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã nói rằng, trước hết phải ngăn ngừa, chặn đà suy thoái. Việc giới thiệu được những đoàn viên tốt, bổ sung sức trẻ, sức chiến đấu cho Đảng; ngăn ngừa những đoàn viên thực dụng vào Đảng, chính là một việc quan trọng của sự ngăn ngừa nói trên.

Từ các báo cáo của ngành tổ chức xây dựng Đảng cho thấy, trong mấy năm gần đây, chất lượng đảng viên mới được nâng lên, nhất là về trình độ học vấn. Số đảng viên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là số có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học tăng, tuổi đời giảm. Có được kết quả trên, trước hết là do các tổ chức Đoàn đã quan tâm, chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng đoàn viên, đủ tiêu chuẩn để phát triển Đảng. Đồng thời, có sự đóng góp không nhỏ của công tác giáo dục lý luận chính trị trong việc mở lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng cho đoàn viên ưu tú.

Mặc dù vậy, công tác bồi dưỡng đoàn viên để phát triển Đảng đã và đang xuất hiện những hạn chế, yếu kém. Nổi lên là việc xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng chưa được chặt chẽ, lớp quá đông, có lúc, có nơi tổ chức lớp lên tới 300 - 400 người cùng học. Khi thực hiện nội dung chương trình, đa số các cơ sở đều rút ngắn thời gian, thậm chí bỏ qua trao đổi, thảo luận, giải đáp, viết bài kiểm tra, thu hoạch. Việc giới thiệu đoàn viên ưu tú còn lệ thuộc vào kế hoạch của cấp ủy Đảng, thiếu chính kiến, giới thiệu một số đoàn viên chưa thực sự đủ tiêu chuẩn...

Những hạn chế trên cần phải khắc phục triệt để, nhất là việc rút gọn chương trình bồi dưỡng. Cần tránh hai khuynh hướng, hoặc là đơn giản hóa chương trình, bài giảng quá mức dẫn đến việc làm lướt, hoặc là làm cho vấn đề phức tạp, nặng nề hơn. Việc khắc phục tình hình đó hoàn toàn phụ thuộc vào giảng viên và đơn vị tổ chức lớp học.

Một vấn đề khác, trong lịch sử đã được tổ chức Đoàn làm rất tốt, là để đoàn viên ưu tú đăng ký chương trình hành động nêu gương, lựa chọn việc khó, việc khổ để xung phong thực hiện. Hiện nay, xu hướng này bị hành chính hóa hoặc có nơi không thực hiện, dẫn tới đoàn viên được phát triển Đảng đã tạo cảm giác... bình thường, chưa nói đến chuyện “chạy, xin” mà chỉ riêng việc một số đoàn viên hoàn thành tốt công việc chuyên môn là được vào Đảng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đoàn, của Đảng.

Xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước. Điều đó rất đúng, nhất là trong khâu Đoàn tham gia công tác phát triển Đảng.

Thiếu tá Thái Đức Hạnh (Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên quân đội)

Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.