Đoạt Euréka nhờ... nhà vệ sinh công cộng!

02/02/2013 10:25 GMT+7

Một nghiên cứu khoa học của sinh viên tìm giải pháp nâng cao chất lượng nhà vệ sinh công cộng.

Trước thực trạng hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại TP.HCM xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến văn minh đô thị và phát triển ngành du lịch của thành phố, nhóm năm nữ sinh viên năm cuối bộ môn đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP.HCM đã phản ánh thực trạng và đưa ra giải pháp cho vấn đề này trong đề tài nghiên cứu khoa học của mình.

Đề tài “Nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM: thực trạng và giải pháp” của nhóm sinh viên Trúc Duy, Liễu Anh, Lê Anh, Hoàng Oanh và Thanh Thảo vừa giành giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2012. Nhóm tác giả đã thể hiện được bức tranh tổng quát về thực trạng xuống cấp, thiếu NVSCC ở TP.HCM cũng như những định hướng giải pháp phù hợp cải thiện thực trạng trên.

Trưởng nhóm Trúc Duy cho biết ý tưởng nghiên cứu đề tài NVSCC đến với nhóm từ những lần tụ tập bạn bè ở cà phê bệt công viên 30-4, khi thấy nhiều bạn trẻ muốn đi vệ sinh phải sang tận khu mua sắm Diamond Plaza hay Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Hơn ba tháng khảo sát thực tế, nghiên cứu thực trạng cơ sở vật chất, thói quen sử dụng NVSCC của người dân ở 19 quận và năm huyện trên địa bàn thành phố (thông qua kết quả từ hơn 300 người được hỏi trực tiếp và 500 phiếu khảo sát trên mạng xã hội với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau) nội dung đề tài đã chỉ ra rõ hiện nay hệ thống NVSCC ở thành phố còn rất nhiều bất cập.

Trong đó nổi cộm là thực trạng thiếu NVSCC, mật độ phân bố không đồng đều, có nhiều quận không có NVSCC như Q.9, Phú Nhuận. Vấn đề chất lượng, mỹ quan NVSCC hiện đang xuống cấp, chưa đáp ứng yếu tố thẩm mỹ, hài hòa với cảnh quan đô thị xung quanh... “Ngoài ra, do quản lý yếu kém cộng với ý thức, thái độ giữ gìn vệ sinh chung vẫn còn thấp của người dân khiến NVSCC ngày càng xuống cấp” - Trúc Duy nói thêm.

Theo PGS.TS Phan An - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Nam bộ - chủ tịch hội đồng giám khảo lĩnh vực xã hội và nhân văn của Giải thưởng Euréka 2012, đề tài NVSCC của nhóm sinh viên đã phản ánh đúng một thực trạng đang xảy ra trong cuộc sống hiện nay. Những nội dung phản ánh và hướng giải pháp cải thiện NVSCC của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp các cơ quan quản lý có những quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống NVSCC hiện đại hơn trong thời gian tới.

Đề tài cũng đề cập những giải pháp về mặt văn hóa - xã hội nhằm giúp nâng cao ý thức người sử dụng NVSCC, tăng tính kết nối giữa NVSCC và người dùng, giúp thay đổi quan điểm, cái nhìn thiếu thiện cảm của người dùng đối với NVSCC. Cơ quan quản lý cần quan tâm thực hiện luật hóa NVSCC, tiêu chuẩn hóa NVSCC về mặt số lượng, khoảng cách bố trí, bảo đảm NVSCC sạch sẽ.

Ngoài ra, thành phố cần linh hoạt trong quản lý, đưa việc quản lý NVSCC về các cấp địa phương (phường, khu phố, Đoàn thanh niên) để huy động nguồn lực trong việc duy trì và giữ gìn NVSCC. Đặc biệt, có thể khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng NVSCC.

Nâng chất NVSCC trong đô thị hiện đại

Nhóm có ý tưởng xây dựng hệ thống NVSCC ngầm và nâng cấp, sửa chữa, xây mới hệ thống NVSCC hiện đại hơn với nhiều kiểu kiến trúc mới, có khu vệ sinh cho người khuyết tật. Trong đó cần áp dụng nhiều phương thức hoạt động đa dạng cho NVSCC như dịch vụ buôn bán, quảng cáo nhằm có kinh phí để bảo trì, chi trả chi phí công nhân bảo quản...

Theo Phước Tuần \ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.