Thật lạ khi hàng loạt vở kịch ma được các sân khấu TP.HCM lên lịch trình diễn dịp tết năm nay bên cạnh những vở hài kịch.
Lý do mà các ông bầu đưa ra là có vẻ như khán giả ngày nay chẳng “kiêng cữ” như xưa nữa, ngày đầu năm đầu tháng vẫn cứ thích đi coi mấy cảnh chết chóc, giết người, hồn ma bóng quế, mồ mả um tùm.
May sao, trong các vở kịch ma mà các sân khấu đang dàn dựng vẫn có nhiều màn hài hước, nên sợ mà vẫn vui. Kịch Phú Nhuận có Trăng máu và 3-5-7. Kịch Sài Gòn cũng có 3 vở: Cứu em, Tỵ Dậu Sửu, riêng vở Lò heo quay của tác giả Trần Văn Hưng vốn là kịch hài, nay đạo diễn Hữu Nghĩa làm lại theo phong cách kịch ma, thay đổi nội dung khá nhiều.
|
Bí mật nhà xác của Nhà hát Thế Giới Trẻ chặt chẽ và dễ chịu hơn cả, vì hạn chế tối đa sự hù dọa, đẩy tính nhân văn lên cao với thân phận của bà xẩm - Ngọc Trinh và những vấn đề thời sự, tiêu cực khiến người xem phải chảy nước mắt. Đặc biệt, năm nay Nhà hát Sân khấu nhỏ và kịch Hoàng Thái Thanh cũng có vở ma nhưng hoàn toàn không có lớp dựng nào “ghê sợ”. Nơi tình yêu bắt đầu thực chất là một vở triết lý, còn Tái sinh là sự đấu tranh của những người yêu nhau từ kiếp này sang kiếp khác để được gần nhau.
Bên cạnh đó, các sân khấu vẫn ưu tiên cho các vở vui nhộn, lãng mạn. Chủ đề vẫn là tình yêu, gia đình, đối nhân xử thế. 5B có Trái tim vàng, Hạnh phúc ở đâu?, Chia tay hoàng hôn nhưng khá nhất có lẽ là Chờ người duyên dáng như một bài thơ tìm về cội nguồn, tình người ấm áp. 6 tháng, anh và em (Hoàng Thái Thanh) là một câu chuyện tình chân thành và kiên nhẫn.
Đạo diễn trẻ Ngọc Hùng tiến bộ rõ rệt qua Hợp đồng yêu đương (Nhà hát Thế Giới Trẻ) cảm động, sâu sắc, khuyến khích giới trẻ biết sống tích cực, hướng thiện. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn vẫn giữ kỷ lục với 3 điểm diễn như mọi năm (IDECAF, Trần Cao Vân, Nhà hát Bến Thành) nên dựng tới 6 vở Miêu nữ hí miêu gia, Hồn bướm mơ điên, Độc chiêu, Xóm vịt trời, Mặt nạ bong bóng, Hương tình nhưng xem ra hài hước quá nhiều, phù hợp với khán giả trẻ hơn là người trung niên thích một chút độ lắng. Chủ trương nơi này là giữa năm mới dựng chính kịch hoành tráng, còn ngày tết thì phải cười. Chuyện vợ chồng và Ngày tận thế (Sân khấu Nụ Cười Mới) cũng vậy, rất nhiều danh hài tham gia, người xem tha hồ cười nghiêng ngả.
Thực ra, hài vẫn có thể sâu sắc, nhưng do tình trạng chung của sân khấu hiện nay là thiếu kịch bản, kịch tết càng “bí”, nên thôi có gì dựng nấy. Mà vở hài bây giờ mảng miếng nhiều hơn tình tiết, nên cười mà không đọng lại bao nhiêu. Đạo diễn cũng khổ, vì mùa này diễn viên đi quay phim liên miên, tập hợp rất khó, có mặt lúc nào là nhoáng nhoàng lên sàn tập, đâu có thời giờ đào sâu nhân vật, tâm lý, tính cách… Thôi thì, ngày tết, mọi người cũng khá dễ dãi, cứ đi xem cho vui là được.
Phòng trà tiếp sức cải lương Năm nay cải lương đón tết “khiêm tốn”, vì rạp Hưng Đạo chưa xây lại, chỉ có rạp Thủ Đô xa xôi, xuống cấp là điểm diễn cho Nhà hát Trần Hữu Trang với Cội nguồn, Tiếng vạc sành, Sám hối. May là bà bầu Linh Huyền “máu lửa” đã đăng ký Nhà hát TP.HCM từ mùng 1 tới mùng 6 để diễn chương trình Hồn Việt vừa có ca múa nhạc dân tộc vừa có bài bản cải lương, giống chương trình Ngọc Việt tại Nhà hát Nón Lá của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Phòng trà We, Tiếng Xưa và Nam Quang năm nay nhiệt tình tiếp sức cho cải lương bằng những đêm diễn nhỏ gọn ấm cúng, luôn chỉn chu, nghiêm túc, không hát nhép, là tín hiệu đáng mừng. |
Hoàng Kim - Vũ Anh
>> Kịch ma hết chiêu
>> Ngọc Giàu đóng kịch ma
>> Kịch tết ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh
>> Thí sinh "Giọng hát Việt" bước ra sân khấu lớn
Bình luận (0)