Cuộc "xung trận" phun thuốc sâu thuê của anh Phạm Sơn Tây (50 tuổi, ngụ thôn I, xã Đức Liễu, H.Bù Đăng, Bình Phước) bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Công việc đầu tiên là bơm đầy 8 phi nước đặt trên chiếc xe công nông, rồi di chuyển hàng chục km đến địa điểm phun thuốc. Khi đến nơi thì trời đã rạng sáng và chỉ với đôi tay trần, anh bóc hết từng gói thuốc này đến gói khác, mà gói nào cũng… độc hại. Sau đó, anh đổ vào các phi nước, cầm thanh tre khuấy cho thuốc hòa tan, từ phi này đến phi khác. Nước thuốc theo thân tre chảy xuống đôi bàn tay gân guốc, sạm đen của anh.
|
Máy vừa nổ lên, anh cùng 2 người phụ vội cầm lấy vòi phun xịt xung quanh, từ trên xuống dưới. Anh vừa phun vừa cho biết: "Hôm nay gió lặng thì không mấy ảnh hưởng, chứ có hôm gió mạnh thì "ăn đủ" thuốc tạt thẳng vào mặt người". Thuốc sâu phun tung tóe, khiến cây điều đang mùa ra hoa kết trái ướt đẫm. Người anh Tây cũng đẫm mồ hôi, pha lẫn… thuốc độc.
Trong phút nghỉ giải lao ngắn ngủi anh Tây cho biết: “Trước đây, cứ đến mùa điều thì tôi mang bình thuốc đi phun cho vườn điều nhà. Thấy vậy, nhiều hộ dân quanh xóm cũng nhờ phun dùm. Thấy người thuê ngày càng nhiều, nên tôi sắm luôn dàn phun thuốc. Người ta sợ độc hại nên ai cũng đi thuê, mình không làm thì chẳng ai làm. Ai cũng biết “nghề” này độc hại lắm, nhưng làm dần dà rồi cũng quen. Tôi đã đi phun thuốc trừ sâu thuê được 9 năm rồi".
Theo anh Tây, sau khi phun được 1 thùng phi thì anh nhận được 120.000 đồng. Mỗi ngày phun cật lực cũng được 15 thùng. “Sau khi trừ chi phí anh em chúng tôi mỗi người cũng kiếm được 400-500.000 đồng. Biết là độc hại nhưng có tiền thì phải làm thôi, miếng cơm manh áo cả mà”, anh Tây nói.
Anh Tây cũng thừa nhận những lần đi phun các loại thuốc trừ sâu, thuốc cỏ thường bị nhễ mũi, bừng mặt ngay từ lúc pha thuốc. Khi về nhà hay bị dị ứng thuốc, ngứa ngáy khắp người, rồi đau đầu, nhức mỏi.
Ngoài xã Đức Liễu, người dân các xã lân cận như Bù Na, Nghĩa Trung và xã Phước Tín (TX. Bình Long) thường xuyên gọi điện thuê anh. Tuy vậy, anh Tây cho biết sẽ "giải nghệ" trong một vài năm nữa khi hai đứa con của anh ăn học ra trường. Vì theo anh. không thể xem thường sức khỏe mãi được.
Chúng tôi có mặt tại nhà anh đội quân của anh Nguyễn Xuân Trường (xã Đức Liễu, H. Bù Đăng), người có “thâm niên” 13 năm trong nghề phun thuốc thuê. Dù kim đồng hồ đã chỉ sang số 11 giờ 30 phút, ngoài trời nắng như đổ lửa nhưng đợi một hồi mới thấy anh Trường cùng 2 người phụ đi phun thuốc sâu thuê về. Không kịp thay đồ để tiếp khách, nên bộ đồ màu xanh bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Năm nay anh Trường mới 37 tuổi, nhưng trông anh gầy gò, hốc hác, nước da đen sạm và già hơn so với cái tuổi của mình. Anh cho biết, qua nhiều năm sinh sống trên vùng đất chuyên về cây điều, rất hiểu về những nhu cầu của người dân, nên vay mượn sắm dàn máy phun thuốc phục vụ nhu cầu đó. "Việc này tuy độc hại, không ai dám làm nhưng lại… hái ra tiền. Mỗi ngày đội quân chúng tôi gồm 3 người cũng kiếm được 1,5 triệu đồng" anh Trường nói.
Anh Trường cũng tự thú nhận rằng, qua những năm mưu sinh với nghề phun thuốc thuê, sức khỏe của anh đã có sự giảm sút, những lúc trái gió trở trời anh thấy toàn thân ê ẩm, nhức mỏi, nhiều lúc muốn giải nghệ nhưng vì cuộc sống anh lại ráng làm thêm một thời gian nữa.
Phước Hiệp
>> Phá băng sản xuất vỏ thuốc độc hại
Bình luận (0)