|
Con cháu giãn ra nhường đường cho cụ bà thân sinh ra ông Soạn tiến vào ngồi chiếc ghế trên của bàn nước - chỗ sáng nhất, gần cửa sổ nhất. Từ chỗ ngồi, bà cụ nhìn một vòng quanh con, cháu, chắt. Cụ dừng lâu hơn một chút ở cậu cháu Chu Xuân Thắng đang cười toác miệng. Đích tôn của cụ đấy. Nay mai anh Chu Xuân Thắng sẽ là trưởng tộc. Mùi trà mới pha ngát lên từ những chiếc chén lòng trắng phau.
Sợ nhất là lúc bố bảo... uống trà
Nhưng nhà ông Soạn không chỉ có những ấm trà vui sum họp đều đặn mỗi ngày như hôm nay. “Tôi sợ nhất là những lúc bố bảo, lát nữa hai vợ chồng sang uống trà với bố”, dâu trưởng nhà ông Soạn - chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non Huỳnh Cung - nói. Uống trà, có nghĩa là bố có câu chuyện muốn nhắc nhở về đường ăn nết ở, chuyện ứng xử trong nhà ngoài xóm.
Cũng không phải tới đời ông Soạn, đại gia đình con cái đều học hành thành đạt này mới có lệ “uống trà nhắc nhở”. Bà Chu Thị Minh, em gái của ông Soạn, cho biết đây cũng là cách bố của ông bà từng dùng để dạy con cách đây hàng chục năm. “Bố tôi không đánh mà chỉ gọi từng đứa một vào nhắc nhở. Sau đó lại gọi tất cả vào nhắc lại một lần nữa”, bà Minh, hiệu trưởng một trường phổ thông gần đó, cho biết về bí quyết giữ nếp nhà lâu đời của dòng tộc. Cũng bởi thế, gia đình ông Soạn tuy chung sống cùng nhau tới bốn thế hệ mà vẫn đâu vào đó. Không có chuyện chừa việc cho người khác. Không lườm nguýt hoặc bằng mặt không bằng lòng. Càng không có cảnh sợ bố mẹ chia cho người này nhiều của để dành hơn người kia. Đến đôi dép trước thềm cũng xếp theo hàng, số còn lại ngay ngắn trong tủ giày chung của cả nhà.
“Bố tôi là người chủ nhà cả trên phương diện tinh thần lẫn vật chất”, dâu trưởng Mỹ Hạnh nói như thể một cô con gái nói về bố mình. Trên thực tế, ông Soạn là người lãnh đạo của cả bốn thế hệ cùng sống chung, của bữa cơm chiều với hơn chục người.
Nhìn nhau mà làm
Bữa cơm nhà ông đơn giản, tuy lúc nào cũng đủ ba món canh - xào - mặn. Con cái tùy tâm góp tiền ăn hằng tháng. Ngập ngừng, anh trưởng Thắng tiết lộ hằng tháng gia đình anh góp gạo thổi cơm chung tối thiểu là 4 triệu. Chi tiêu chung hết bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, ông Soạn bù. Ai muốn đi chợ mua thêm gì thì báo trước để tránh lãng phí. Chiều về, mỗi người một chân một tay. Quanh nhà không có một bảng trực nhật nào. “Nếu anh chị nấu cơm thì em rửa bát. Chúng tôi nhìn nhau mà làm”, chị Hạnh nói. Cho tới giờ, cứ tự giác nhìn nhau thế, mọi chuyện vẫn ổn. Nhất là đừng để bố phải gọi riêng vào uống chè.
Ăn chung, mỗi tiểu gia đình đều có phòng ngủ riêng. Để kết nối các cháu, ngoài khoảng sân gạch từ thời các cụ, ông Soạn để riêng một phòng nhỏ đầu hồi sáng tinh tươm làm phòng học tập. Hiện phòng mới chỉ kê tủ, thiết bị âm thanh và ba bộ bàn học cho ba đứa cháu đang tuổi cắp sách đến trường. Sau này, cháu chắt đi học nhiều hơn, bàn ghế chỉ việc mua thêm đặt vào vì vẫn còn rộng chỗ. Cháu lớn Mỹ Anh đang học lớp chọn trường Hoàng Liệt, 14 tuổi. Các cháu Kỳ Anh, Gia Linh cùng học một lớp Trường tiểu học Tam Hiệp. Chị lớn có trách nhiệm kiểm tra bài em nhỏ. “Bố cháu chỉ kiểm tra nếp học. Còn lại, các cháu tự bảo nhau nên mấy anh chị em tôi cũng đỡ một việc”, chị Hạnh cho biết.
Đứa lớn đi học thì vậy, lũ nhỏ chưa đi học cũng quấn anh chị. “Bọn trẻ không chịu đi chơi nếu không có nhau. Vì thế, chúng tôi không thể đi chơi bằng xe máy. Lần nào cũng phải gọi xe 7 chỗ mới đủ cho cháu chắt ngồi cùng”, chị Hạnh nói.
Lần đi chơi vui nhất, cả gia đình ông Soạn lũ lượt đi trảy hội nhận gia đình văn hóa do Sở VH-TT-DL Hà Nội trao tặng. Tuổi cao, phải hạn chế đi ô tô, cụ bà thân sinh ra ông ở nhà đi ra đi vào chờ con cháu. Ông Soạn thắt cravat lên nhận danh hiệu. Con cháu kéo theo ông đi nhận rộn rã cả một góc hội trường. Vui. Về nhà liên hoan tưng bừng. Ông Soạn vẫn như mọi ngày, chỉ chạy quanh xem ai nấy đã có chỗ, có bát, đã no chưa, đến gần cuối tiệc mới ngồi lùa ào bát cơm. “Anh tôi lúc nào cũng lấy lo cho người khác làm vui. Con cháu phục, nể mà tự giác giữ nếp nhà là vì thế”, bà Minh tự hào nói về anh trai mình.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)