Đi tìm ý nghĩa của phong bao lì xì

10/02/2013 14:45 GMT+7

(TNO) Hoàng Tuấn - học sinh lớp 10 tại một Trường THPT ở TP.HCM từ lâu đã nôn nao chờ tết với mong muốn nhận được thật nhiều tiền lì xì để có "đủ đạn" mua chiếc máy tính bảng mà cậu chàng đang mê mẩn.

(TNO) Hoàng Tuấn - học sinh lớp 10 tại một Trường THPT ở TP.HCM từ lâu đã nôn nao chờ tết với mong muốn nhận được thật nhiều tiền lì xì để có "đủ đạn" mua chiếc máy tính bảng mà cậu chàng đang mê mẩn.

>> Sốc với lì xì tiền triệu cho con trẻ

Người lớn thường tặng cho trẻ nhỏ phong bao lì xì với một số tiền tượng trưng nho nhỏ trong những ngày tết theo phong tục lâu đời, với ý nghĩa mang lại may mắn suốt năm. Tuy nhiên, hiện không ít trẻ em cũng giống như Tuấn, trông đợi ngày tết như một dịp sẽ có được thật nhiều tiền từ cha mẹ, người thân và những vị khách.

Ngay từ những ngày sát tết, Tuấn đã thẳng thừng hỏi mẹ cậu là chị Thu Nga - nhân viên kinh doanh tại một công ty ở Q.Tân Bình (TP.HCM) rằng “mẹ sẽ lì xì cho con bao nhiêu tiền?”.

Chị Nga chia sẻ, Tuấn vốn “nghiện” game, và bấy lâu nay đang vòi vĩnh bố mẹ cho tiền mua một chiếc máy tính bảng đời mới nhất.

Lo ngại con trai có máy tính bảng sẽ mải mê chơi game, bỏ bê việc học, nên chị Nga đã nhiều lần từ chối, không đồng ý với đòi hỏi của con.

“Mẹ không cho tiền, nhưng tết đến chắc chắn mình sẽ được rất nhiều tiền lì xì. Khi đó, mình không phải xin tiền mua máy tính bảng nữa”, chị Nga tình cờ nghe được lời Tuấn nói với một cậu bạn qua điện thoại.

Chị Nga cho biết, Tuấn nằng nặc muốn mua máy tính bảng để "theo kịp chúng bạn, vì đứa nào cũng có smartphone và iPad".

Vợ chồng chị cũng đã nghiêm khắc nhắc nhở con trai nên tập trung vào việc học hơn là chơi game thâu đêm và đừng “mơ mộng” đến máy tính bảng, nên Tuấn chuyển sang hy vọng vào khoản thu nhập từ... lì xì.


Lì xì là phong tục lâu đời, nhằm mang lại sự may mắn nhân dịp năm mới - Ảnh: Thanh Hải

Từ trước tết Tuấn đã bắt đầu "công cuộc" nhịn ăn sáng, để dành tiền góp vào số tiền lì xì “dự đoán là khủng” nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013 này để mua được máy tính bảng, theo lời kể của chị Nga.

Người lớn làm hỏng phong tục lì xì?

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết lì xì vốn là một phong tục tốt đẹp, xem như tặng lộc đầu năm, tiền gói trong bao đỏ giúp trẻ con xua đuổi bệnh tật, ác mộng.

"Tuy nhiên, ngày nay lì xì đã trở thành một “gánh nặng vô hình” với rất nhiều người, đặc biệt những người kinh tế khó khăn. Lì xì ít thì coi cũng kỳ, mà lì xì nhiều thì hơi “kẹt”", ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, hiện không ít người lớn đang biến việc lì xì lại trở thành phương tiện để “biếu xén”, để chứng minh sự giàu có, để “mua” sự thán phục của bọn trẻ… Những điều đó khiến cho lì xì mất đi bản chất tốt đẹp của nó và đôi khi vô tình làm hư cả trẻ con lẫn... bố mẹ của chúng.

“Thực chất, thái độ, hành vi của một đứa trẻ khi nhận tiền lì xì ra sao sẽ phản ánh những gì chúng đã được tiếp thu, được dạy dỗ từ gia đình”, ông Hiếu phân tích.

Ông Hiếu cho rằng, nhiều nhà khi con nhận được lì xì thì ngay lập tức hỏi xem con được lì xì bao nhiêu, hay bố mẹ đếm tiền lì xì của con xong rồi bình phẩm “Anh này sộp quá! Nhà giàu có khác! Cô nọ keo ghê! Ai đời lại lì xì 20.000 đống!”...

Cách ứng xử này của người lớn sẽ lây lan sang trẻ nhỏ, khiến các em chỉ xem trọng giá trị vật chất, mà mai một đi giá trị tình cảm giữa người tặng và nhận lì xì.

“Tặng lì xì cũng giống như tặng một điều may mắn đầu năm, nhưng tiếc rằng nhiều người lớn lại đang làm hỏng phong tục đó, chứ lỗi không nằm ở trẻ con", chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, giám đốc một công ty truyền thông có hai con nhỏ ở Hà Nội nói.

Lì xì như... công cụ thỏa mãn nhu cầu

Tiền lì xì có thể khiến con trẻ hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, biết quý trọng tiền bạc mình có được nhiều hơn, nhưng cũng có thể khiến con trẻ vì đó mà nảy sinh tính đua đòi”, theo Lương Đức Trung, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn.

Về góc độ tâm lý học, nhìn cụ thể từ câu chuyện của em Hoàng Tuấn, thạc sĩ tâm lý Khắc Hiếu cho rằng yêu thích đồ “công nghệ”, máy tính bảng như trường hợp của Tuấn là điều bình thường của tuổi mới lớn.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cậu bé Tuấn không phải còn là sự yêu thích trong trẻo nữa, mà đã "nhuốm màu" đua đòi. Theo phân tích của ông Hiếu, dường như trong mắt cậu bé Tuấn, lì xì chỉ là một công cụ để em thỏa mãn nhu cầu. "Tuấn không thấu hiểu ý nghĩa tình cảm của việc lì xì, không nhìn nó với thái độ trân trọng mà với thái độ ham muốn, thiếu sự kiềm chế bản thân", ông Hiếu nhận định.

Chia sẻ với Thanh Niên Online, nhiều người Việt Nam và người nước ngoài ở TP.HCM và Hà Nội khi được hỏi hầu hết không đồng tình với việc hủy bỏ phong tục lì xì Tết.

Phong tục đẹp nên ta không cần phải bỏ. Ta chỉ cần loại bỏ những “động cơ đen” làm xấu đi phong tục lì xì, cần loại bỏ cách lì xì sai, cách ứng xử sai với nó”, thạc sĩ tâm lý Khắc Hiếu nêu ý kiến.

Còn chị Nguyễn Thị Hoài Minh, giảng viên Đại học Mở TP.HCM hiến kế nên chăng “người lớn (gia đình, đồng nghiệp, bạn bè) gặp nhau, thống nhất với nhau ý nghĩa của lì xì, và quy định mức tối đa của 1 bao lì xì”.

“Dạy con từ thuở còn thơ”

Cũng theo chị Minh, người lớn nên theo dõi cảm xúc của trẻ khi nhận và mở bao lì xì và nên có nhận xét ngay khi đó. Cách nhận xét rất quan trọng, thể hiện chính nhân sinh quan về tiền bạc của người lớn. Nên đưa những giá trị khác khi nói về tiền bạc, ví dụ như "chú ấy kiếm tiền rất vất vả nhưng vẫn dành chút ít lì xì vì muốn mang lại cho con niềm vui".

“Tất nhiên, giáo dục thái độ về tiền bạc cho trẻ phải thông qua cách xài tiền của người lớn trong mọi việc. Người lớn, đặc biệt là bố, mẹ và thầy cô, giáo”, chị Minh bày tỏ quan điểm.

Còn chị Ngọc Lan thì cho biết chị luôn dạy hai con từ lúc các cháu còn nhỏ xíu rằng: "Bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn mà người khác dành tặng mình nhân dịp năm mới, vì thế các con phải biết chắt chiu những điều may mắn ấy”.

“Việc giáo dục trẻ về tiền bạc cần được làm thường xuyên, đan xem vào nhiều tình huống giáo dục trẻ khác nhau, trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải đợi đến lúc trao phong lì xì vào tay trẻ rồi người lớn mới bắt đầu "giảng đạo”, chị Ngọc Lan nhấn mạnh.

Phúc Duy

>> Săn tiền lì xì
>> Lì xì nhiều cũng bị chê
>> Khát tiền lẻ mới để lì xì
>> “Bỏng tay” với phí đổi tiền mới lì xì
>> Vào tù vì giật bao lì xì
>> Phí đổi tiền lì xì tăng mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.