Tết muôn nơi

08/02/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Tết đang đến thật gần, không chỉ về mặt địa lý mà còn hiện hữu trong tất cả mọi người, trong đó có những giáo sư, Việt kiều nổi tiếng, xa xứ đã lâu; những công nhân quần quật lao động 10 năm không về quê ăn tết cùng gia đình; là những thương hồ rong ruổi trong những ngày xuân xa nhà... Tất cả đang chuẩn bị thưởng thức cái Tết Quý Tỵ theo cách riêng của mình. Mời bạn đọc cùng Thanh Niên Online khám phá những bức tranh xuân này trong ngày 28 Tết (8.2) nhé…

(TNO) Tết đang đến thật gần, không chỉ về mặt địa lý mà còn hiện hữu trong tất cả mọi người, trong đó có những giáo sư, Việt kiều nổi tiếng, xa xứ đã lâu; những công nhân quần quật lao động 10 năm không về quê ăn tết với gia đình; là những thương hồ rong ruổi trong những ngày xuân xa nhà... Tất cả đang chuẩn bị thưởng thức cái Tết Quý Tỵ 2013 theo cách riêng của mình.

Tất cả những cách ăn tết trên, dù xuất phát điểm ở không gian khác nhau, nhưng tựu trung lại là những khoảnh khắc để mọi người cùng ôn cố, tri tân; trải lòng sau một năm lao động, làm việc, hướng đến cuộc sống hạnh phúc, tươi sáng trong năm mới.

Mời bạn đọc cùng Thanh Niên Online khám phá những bức tranh xuân này trong ngày 28 Tết (8.2) nhé...

[9 giờ] Đón tết giản dị cùng công nhân với bánh chưng, muối vừng

Họ là những công nhân quanh năm vất vả với “cơm áo gạo tiền”. Xuân về, một cái tết giản dị nơi nhà trọ với những người đồng nghiệp cũng đã đủ ấm áp, yêu thương.

Không đủ đầy với bánh chưng, dưa hấu, củ kiệu, dưa hành hay thịt kho tàu..., bữa ăn đoàn viên ngày cuối năm của gia đình công nhân rất giản đơn nhưng vẫn ấm cúng, vui tươi.

Tết công nhân - Bữa ăn đơn giản nhưng ấm cúng của gia đình anh Phúc và chị Lý
Bữa ăn đơn giản nhưng ấm cúng của gia đình anh Phúc và chị Lý - Ảnh: Thanh Hải

Hãy cùng Thanh Niên Online đến thăm gia đình anh Hoàng Đình Phúc và chị Phạm Thị Lý, ở khu lưu trú công nhân trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM, và xem họ đã chuẩn bị gì cho cái tết đang đến rất gần. 

[12 giờ] Lời chúc yêu thương gửi Trường Sa

Trong những ngày tết đến xuân về, khi người người đều mong mỏi được sum họp, tề tựu cùng gia đình, thì ở Trường Sa các chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bình yên cho quê hương.

Đất liền luôn trân trọng sự hy sinh của quân và dân đất đảo Trường Sa
Đất liền luôn trân trọng sự hy sinh của quân và dân đất đảo Trường Sa

Những hình ảnh về Trường Sa mà các phóng viên Thanh Niên ghi lại cùng những tư liệu quý về Hoàng Sa, như một cầu nối để đất liền gần hơn với đảo xa. Trong những ngày tết đến xuân về tấm lòng của người dân đất liền vẫn luôn trân trọng và hướng về các anh.

Thanh Niên Online đã ghi lại những lời chúc, những tình cảm yêu mến từ đất liền gửi đến các chiến sĩ và người dân ở Trường Sa nhân dịp Tết Quỵ Tỵ 2013 đã cận kề.

Mời bạn đọc cùng xem và sẻ chia với Trường Sa thân yêu của chúng ta:

[14 giờ] Tết của những người con xa xứ

Đối với những người xa xứ, lúc nào cũng vậy, hai tiếng "quê hương" vẫn chảy, chậm rãi nhưng bền gan, trong máu thịt họ. Nhưng dù thế nào, ở vào khoảnh khắc giao thời, cách biệt địa lý hữu hình vẫn khiến họ chạnh lòng.

Tết trên quê hương dằng dặt trong tâm tưởng những người xa xứ. Vì đôi lúc, giọng hát ru phát ra từ đĩa thu âm cũ cũng khiến người ta bật khóc... Được sống tại quê hương đã là tết, đó là cái tết thiêng liêng, đặc biệt mà nhạc sĩ Miên Đức Thắng tâm niệm.

Sống và làm việc tại Đức ở cái tuổi tứ tuần, ông đã trải qua những cái tết đầy đủ về hình thức nhưng trong lòng vẫn trống rỗng vì một lẽ: xa quê hương.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng thưởng thức Xuân bằng những bản nhạc quê hương
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng thưởng thức xuân bằng những bản nhạc quê hương - Ảnh: Trung Hiếu

Chiều 28 tết ngồi nghe ông kể về những ngày tết nơi nước Đức giá lạnh mới hiểu rằng mình hạnh phúc dường nào khi đang được đón tết bên gia đình ở Việt Nam.

Mời các bạn cùng theo dõi câu chuyện của nhạc sĩ Miên Đức Thắng để càng thương yêu quê hương mình hơn:

[16 giờ] Ăn tết… Công Gô

“Tết Công Gô” với người Việt được hiểu như là sẽ không bao giờ có tết. Thế mà đối với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học, cái tết ấy thật đặc biệt. Đó là cái tết Việt ở xứ sở Công Gô mà ông phải nhớ mãi bởi lẽ đó cũng là dịp để quảng bá và giới thiệu bản sắc Việt đến với bạn bè thế giới.

GS Nguyễn Đăng Hưng kể về cái Tết Công Gô nhiều ý nghĩa
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kể về cái tết Công Gô nhiều ý nghĩa - Ảnh: Trung Hiếu

Trong những cơn gió xuân chiều 28 tết, tại nhà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, chúng tôi đã được nghe giáo sư kể về cái tết Công Gô lạ lẫm này. Giáo sư Hưng còn tặng bạn đọc Thanh Niên Online một “món quà” do ông đúc kết trong 40 năm làm khoa học. 

“Món quà” đó là gì? Mời bạn đọc cùng xem...

 

[18 giờ] Cùng thương hồ rong ruổi “chở Xuân”

Khi ráng chiều của ngày 28 tháng chạp sắp tắt cũng là lúc những thương hồ đến từ miền Tây tất bật mưu sinh ngày tết giữa Sài thành. Họ "đem Xuân" đến với phố thị bằng những thứ đặc sản miền sông nước.

Bôn ba trên sông, với họ tết đến xuân về là những hành trình mưu sinh trên các con nước lênh đênh. Nếu may mắn bán đắt hàng có người sẽ về kịp đón giao thừa, còn hầu như tất cả đều “ăn tết” trên sông nước.

Thương hồ rong ruổi ngày xuân 1
Long đong cuộc đời thương hồ... - Ảnh: Nguyễn Bình

Hãy cùng Thanh Niên Online lênh đênh với những thương hồ chân chất trong ngày mưu sinh sát tết này nhé:

[20 giờ]: Xuân tình nguyện

Những mẻ bánh nóng đã ra lò, những bạn trẻ không quen biết nhau bắt đầu tỏa đi khắp nơi. Công việc của họ là trao những đòn bánh chưng, bánh tét cho những người vô gia cư, những trẻ em nghèo trên đường phố.

Chỉ quen biết nhau trên mạng xã hội, các bạn trẻ ở khắp nơi đã dành những giây phút hiếm hoi của ba ngày tết để mang xuân đi khắp nơi. Với họ, tết đến xuân về là những câu chuyện tình nguyện đầy trân trọng.

Người già người trẻ cùng gói bánh cho người nghèo
Người già người trẻ cùng gói bánh tặng cho người nghèo - Ảnh: Hoàng Quyên

Niềm vui bất ngờ của người nghèo khi nhận được món quà đầu xuân
Niềm vui bất ngờ của người nghèo khi nhận được món quà xuân - Ảnh: Hoàng Quyên

Cùng chúng tôi theo chân các bạn trẻ tình nguyện để hiểu hơn những việc làm rất đáng trân trọng của họ trong những ngày xuân này:

Ngày 28 tết đang dần khép lại, khắp nơi trên mọi miền đất nước không khí nô nức đón chờ một mùa xuân mới đang hiển hiện trong tất cả mọi người. Không kể già hay trẻ, giàu hay nghèo, ai ai cũng mong chờ xuân đến, mang theo bao ước vọng về một năm mới tươi đẹp, hạnh phúc, yên bình...

Xuân đang đến rất gần với từng người con đất Việt!!!!!!!

Du học sinh khắp nơi tất bật đón tết cổ truyền

Dù bận rộn với bài vở và thi cử sau kỳ nghỉ đông, nhưng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài vẫn dành chút thời gian tổ chức tết để nhớ về quê nhà.

Đi chùa

Bạn Nguyễn Thu Trinh, 21 tuổi, du học tại California (Mỹ) từ khi còn học THPT cho hay so với mọi người, du học sinh tại California còn may mắn vì chỉ có nơi đây và Washington bán đặc sản tết như ở quê nhà.

Tuy nhiên giá hơi cao, bánh chưng từ 8 đến 15 USD, còn các đặc sản từ hạt dưa, dưa chua, củ kiệu, mứt gừng đến rau muống, thậm chí các loại mắm... đều có đủ.

Sinh viên tại ĐH Tula đón Tết trong tà áo dài truyền thống
Sinh viên tại ĐH Tula đón tết trong tà áo dài truyền thống

Những ngày này, Trinh và bạn bè tranh thủ sau giờ thi kéo nhau đi chùa, nhóm học sinh ở trường phổ thông thì tổ chức văn nghệ, ngoài ra Hội Việt Club cũng tổ chức Asian by Nights mừng năm mới.

Cộng đồng người Việt ở Orange County vẫn giữ được nét đi chùa truyền thống vào ngày mùng 1 tết. Riêng ở phố Bolsa, phố trung tâm lớn nhất của người Việt vào sáng mùng 1 tết sẽ tổ chức diễu hành xe hoa, mọi người đều mặc áo dài khăn đóng…

Sinh viên Trần Tấn Thịnh, 21 tuổi, học tại Đại học Texas, cho hay tuy cộng đồng người Việt tại đây không đông đúc nhưng vẫn có đủ đặc sản Việt ở chợ, tuy nhiên không ngon và đậm đà mùi vị quê hương.

Tết này, Thịnh sẽ cố gắng hoàn thành các bài kiểm tra để cùng gia đình người thân dành thời gian đi chúc tết các gia đình đồng hương.

Còn đối với Trần Đình Tuệ, 21 tuổi, ĐH Kỹ thuật Georgia, tết là dịp vui nhất đối với du học sinh vì các bạn tha hồ “chạy show” dự tiệc. Cộng đồng người Việt ở Atlanta, Georgia khá đông, mỗi khu vực lại tổ chức văn nghệ riêng mừng tết nên phải bố trí vào những ngày cuối tuần khác nhau để khách mời góp mặt.

Hội sinh viên Việt Nam ở ĐH Kỹ thuật Georgia cũng tổ chức thi nam sinh, nữ sinh thanh lịch, nhảy dân vũ…

Gìn giữ tà áo dài truyền thống

Tại Đại học Université de Bretagne Occidentale, TP.Brest, vùng Bretagne, Pháp, sinh viên Đoàn Uyên Phương (21 tuổi, quê TP.Đà Nẵng) đang theo học năm 3 ngành điện tử viễn thông, cho hay trước tết 2 tuần, các siêu thị bắt đầu khuyến mãi đồ châu Á nên không khí chuẩn bị đón tết cổ truyền rất sôi nổi, không thua kém thủ đô Paris và các thành phố lớn như Toulouse, Lyon, Lille...

Tuy nhiên do không được nghỉ dịp tết cổ truyền nên mọi người ở đây ăn tết muộn sau 1 tuần.

Sinh viên Việt Nam và Trung Quốc đón tết âm lịch tại Đại học Université de Bretagne Occidentale, TP.Brest, vùng Bretagne, Pháp
Sinh viên châu Á đón tết âm lịch tại Đại học Université de Bretagne Occidentale, TP.Brest, vùng Bretagne, Pháp

“Tuy xa quê hương nhưng mọi người vẫn đón tết rất truyền thống với bánh chưng, dưa món, thịt đông... Đặc sản 3 miền tuy không đầy đủ như ở Việt Nam, nhưng cũng phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”, Phương nói.

Đặc biệt, riêng các nữ sinh rất háo hức bởi tết là dịp duy nhất trong năm các bạn được mặc áo dài. Tại TP.Brest và vùng Bretagne, Pháp, hầu như nữ sinh nào cũng có tà áo truyền thống Việt Nam mang từ quê nhà sang.

Đặc sản quê nhà đón tết của sinh viên ĐH Tula, Nga
Đặc sản quê nhà đón tết của sinh viên ĐH Tula, Nga

Nhóm sinh viên Việt Nam gồm 30 người tại đây đã chuẩn bị tiết mục múa áo dài và nón truyền thống cùng màn nhảy sạp để chung vui với cộng đồng người Việt đổ về từ những vùng lân cận Brest.

Tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula, Nga, ngay sau kết thúc kỳ thi, không khí chuẩn bị tết rất náo nhiệt. Du học sinh phải đặt mua nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét ở Moscow, còn gà phải ra ngoại ô xa hơn 20 km mới mua được.

Gian hàng của sinh viên Việt Nam tại Hội chợ tết các nước châu Á tại TP.Brest, Pháp
Gian hàng của sinh viên Việt Nam tại Hội chợ tết các nước châu Á tại TP.Brest, Pháp

Sinh viên Nhật Cư tiết lộ bí quyết qua mặt quy định cấm mang gia súc, gia cầm vào ký túc xá, đó là dùng dây thun cột chặt mỏ gà và bỏ vào thùng giấy rồi vô tư vác qua mặt bảo vệ.

“Đặc sản” ở Tula là hoa tết, các bạn đi chặt cành táo về ngâm gốc trong bình nước rồi đính lên đấy cả hoa mai và hoa đào giấy trên cùng một thân cây.

Nguyễn Tú
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thành Trung - Minh Quyên - Trung Hiếu - Viên An - Thanh Hải - Thanh Bình - Tấn Cư

>> 27 Tết: Cùng Tây ăn Tết Việt
>> Tây ăn tết ta
>> Triển khai tour du lịch Tây ăn Tết ta

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.