Trưa 8.2 (tức 28 tháng chạp), người bán kẻ mua tại các đường hoa vẫn dập dìu và dù chưa thực sự đông. Phần vì thói quen của người dân chờ đến chiều ngày cuối cùng của năm mới đi mua hoa, cây kiểng cho... rẻ. Người bán hoa cũng có tâm lý “còn nước còn tát”, được đồng nào hay đồng ấy, nên cuộc “đấu trí, đấu sức” của người mua và người bán hoa ở Đồng Hới vẫn đang còn khá... căng thẳng.
|
Anh Phan Văn Đồng (chủ một lô quất Quảng Nam hơn 100 cây cạnh Nhà văn hóa tỉnh) cho biết đến ngày 27 âm lịch anh đã thu hồi được số vốn 60 triệu đồng ban đầu và 2 ngày tiếp sẽ là thời gian... kiếm lời.
Được biết, quất Quảng Nam được trồng tự nhiên, nhánh lớn, tán rộng và quả to nên đặc biệt được ưa chuộng dù giá khá “rát” (từ 1,5 triệu đồng/chậu trở lên). Trái lại, quất có xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc có hình dáng nhỏ, ít quả lại không được mấy người quan tâm dù giá chỉ vài trăm ngàn đồng/chậu.
Trong khi đó, việc cúc chậu được bày bán tràn lan đã dẫn đến cảnh “kẻ cười người mếu”, tất cả phụ thuộc vào may mắn. Phần nữa, do thời tiết những ngày này khá hanh thông lại có nắng nên nhiều chậu cúc đã nở toe và héo.
“Ban đầu tôi bán 350 ngàn đồng/chậu giờ giảm xuống 300 ngàn đồng/chậu nhưng mới bán được 1/3 số chậu đang bày. Chỉ còn 2 ngày, không biết có kịp thu hồi vốn không...”, một chủ quầy cúc trước Sân vận động tỉnh thở dài não nuột.
Mặc cho ai bán ai mua, giá cả lên xuống thế nào, những người làm nghề “ăn theo” tại các đường hoa đều cười... như tết, đặc biệt là dân xích lô. Có lẽ với đời sống ngày nay, chưa lúc nào đạp xích lô lại “ngon ăn” đến vậy.
Nhiều người phải lắc đầu với mức giá... đắt hơn cước taxi, bởi với quãng đường hơn 3 km chở hoa về nhà người mua, dân xích lô có thể “hét” đến 100 ngàn đồng.
|
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc
>> TP.HCM tăng sản lượng hoa kiểng Tết
>> Hoa kiểng "độc", giá "khủng
>> Hoa kiểng chờ người mua
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
Bình luận (0)