Cơ hội đặt tên cho mặt trăng Diêm Vương tinh

12/02/2013 19:00 GMT+7

(TNO) Nếu bạn luôn ôm mộng đặt dấu ấn lên bầu trời đêm, sau đây là cơ hội của bạn: Đặt tên cho 2 mặt trăng mới được phát hiện của sao Diêm Vương.

Giới thiên văn học đang thu thập ý kiến để đặt tên cho 2 mặt trăng P4 và P5 của hành tinh lùn trong Thái Dương hệ. Những vệ tinh nhỏ này đã lọt vào tầm quan sát của viễn vọng kính không gian Hubble lần lượt vào năm 2011 và 2012.

Ba mặt trăng đã có tên của Diêm Vương tinh là Charon, Nix và Hydra, đều được đặt tên theo của các nhân vật thần thoại Hy Lạp có liên quan đến thế giới địa ngục. Do vậy, các nhà thiên văn học hiện đại cũng muốn chọn tên của những nhân vật dưới quyền cai quản của Hades cho 2 mặt trăng mới.

“Người Hy Lạp cổ đại là những nhà kể chuyện tuyệt vời, và họ đã cho chúng ta không ít các nhân vật để lựa chọn”, Space.com dẫn lời Mark Showalter của Viện Săn lùng Trí Thông minh ngoài Trái đất (SETI) tại Mountain View, bang California, Mỹ.

(TNO) Nếu bạn luôn ôm mộng đặt dấu ấn lên bầu trời đêm, sau đây là cơ hội của bạn: đặt tên cho 2 mặt trăng mới được phát hiện của sao Diêm Vương
 Các mặt trăng của Diêm Vương tinh - Ảnh: NASA

Những người quan tâm có thể chọn tên cho các mặt trăng tại trang plutorocks.com cho đến 0 giờ ngày 26.2.

P4 và P5 đều rất nhỏ, với đường kính chỉ từ 20 đến 30 km. Chúng được phát hiện khi NASA triển khai sứ mệnh New Horizons, với dự tính phi thuyền không người lái sẽ đến được hành tinh lùn vào năm 2015.

Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930 và luôn được gọi là hành tinh, nhưng đến năm 2006, mọi chuyện đã thay đổi và nó bị giáng cấp ở mức hành tinh lùn.

Cho đến nay Charon (được đặt theo tên người lái đò qua sông Styx) là mặt trăng lớn nhất của Diêm Vương tinh, với đường kính 1.043 km. Nix (Nữ thần bóng đêm) và Hydra (Mãng xà nhiều đầu) dao động từ 32 đến 113 km.

Hạo Nhiên

>> Tiểu hành tinh lướt ngang Trái đất vào ngày 15.2
>> Dải Ngân hà chứa 17 tỉ hành tinh cỡ Trái đất
>> Kéo tiểu hành tinh đến mặt trăng
>> Chứng kiến sự tượng hình hành tinh khổng lồ
>> Năng lượng sạch cho hành tinh xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.