Trẩy hội mùa xuân

15/02/2013 11:36 GMT+7

Hội vật làng Sình “Dù ai đi đó đi đây/Mồng mười hội vật nhớ quay về Sình”. Nếu có dịp vui xuân cùng xứ Huế, bạn nên ráng lại để xuôi về làng Sình (tên chữ là làng Lại n), xã Phú Mậu, H.Phú Vang, xem lễ hội vật võ truyền thống vào ngày 10 tháng giêng.

Hội vật làng Sình

“Dù ai đi đó đi đây/Mồng mười hội vật nhớ quay về Sình”. Nếu có dịp vui xuân cùng xứ Huế, bạn nên ráng lại để xuôi về làng Sình (tên chữ là làng Lại n), xã Phú Mậu, H.Phú Vang, xem lễ hội vật võ truyền thống vào ngày 10 tháng giêng.

Tất cả những chàng trai dẻo dai, sức khoẻ nhất sẽ trần mình trên sới vật, thấm đẫm mồ hồi thi đấu với tinh thần thượng võ. Các cô gái quê sẽ ăn mặc lộng lẫy nhất để cổ vũ cho trai làng mình tranh tài trên sới vật, biểu diễn sức vóc đấng nam nhi. Lễ hội kéo dài trong suốt một ngày và  tiếng reo hò luôn vang vọng cả một vùng quê. Hội vật làng Sình diễn ra tại sân đình làng sôi nổi và hào hứng với sự tham gia của hàng nghìn bạn trẻ của các làng quê lân cận, khách du lịch và đông đảo người dân địa phương. Các đô vật thuộc hai nhóm tuổi thanh niên và thiếu niên của các huyện Phú Vang, Hương Trà và TP.Huế đã trần mình trên sới vật thi đấu tranh giải với tinh thần thượng võ.

Trẩy hội mùa xuân
Hội cướp cù ở An Mỹ - Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hàng năm diễn ra từ 9 - 15 tháng giêng tại đền Huyền Trân công chúa (núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, P.An Tây, TP.Huế). Năm 2006, nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306-2006), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa trên một không gian rộng lớn 28 ha nằm dưới chân núi Ngũ Phong. Công trình là một cụm quần thể kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh theo kiến trúc truyền thống, phía sau gối lưng núi Ngũ Phong uy nghi, phía trước có dòng tiểu khê hội tụ thành hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt. Nội điện đặt tượng Huyền Trân công chúa, hậu diện thờ các bậc công thần khai quốc. Phía sau điện chính còn có lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng, mở vườn bồ đề tri ân và đoàn kết, sau nữa là thiền viện Trúc Lâm, nhà đọc sách, tượng Di Lặc, miếu Sơn thần, Thủy thần và gác chuông Hòa Bình, trên đỉnh núi Ngũ Phong...

Sau khi đền Huyền Trân công chúa ra đời, người dân miền Trung, nguyên là đất của hai châu Ô, Rí cứ vào dịp đầu năm đã đi lễ, chiêm bái tri ân người mở cõi, cầu năm mới quốc thái dân an, trăm nhà hạnh phúc.

Tết Nguyên tiêu và ngày thơ

Vào ngày 15 tháng giêng, giới trẻ Huế còn có phong trào kéo lên các đồi Thiên An, Vọng Cảnh, Núi Bân… nhóm lửa ăn tết Nguyên tiêu. Hoạt động này cũng trùng với ngày Thơ Việt Nam nên nhiều năm qua trong đêm Nguyên tiêu tại cố đô Huế đã diễn ra các hoạt động đêm thơ, tọa đàm thơ, thả thơ, giao lưu văn hóa, giải trí sôi nổi và thi vị. Các văn nghệ sĩ xứ Huế cũng tổ chức chương trình ngày xuân viếng mộ thi nhân, tưởng nhớ các văn nghệ sĩ đã quá cố.

Trẩy hội mùa xuân
Các đô vật trần mình trên sới vật làng Sình - Ảnh: B.N.L

Lễ hội đặc trưng xứ Quảng

Ngày xuân, xứ Quảng cũng rộn ràng với các lễ hội đặc trưng, đậm bản sắc văn hoá. Phải kể đến là Lễ hội Cầu Bông: được tổ chức tại đoạn sông đổ ra biển Cửa Đại (TP.Hội An) để cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trái tươi tốt. Lễ hội rước cộ chợ Được: được tổ chức vào ngày 10 - 11 tháng giêng tại chợ Được (Bình Triều, H.Thăng Bình). Lễ hội Long Chu được tổ chức vào rằm tháng giêng tại khắp các thôn, xóm. Lễ hội này có tục rước thuyền rồng - “Long Chu”, tức là một biểu tượng để trừ dịch bệnh. Lễ hội bà Thu Bồn: được tổ chức tại dinh bà Thu Bồn (Duy Tân, H.Duy Xuyên) vào ngày 12 tháng 2 hàng năm để tưởng nhớ công đức bà Bô Bô phu nhân (người Champa) đã mang lại thịnh vượng cho người dân. Lễ hội Tà Tray: đây là lễ hội truyền thống của người C’Tu được tổ chức để cúng các vị thần sau mùa trỉa hạt, xuống giống, là lời tri ân với thần núi, thần nước… 

Hội cù An Mỹ

“Chơi bóng bằng... tay” và “ném bóng vào gôn của... phe mình” là một trong những cách định nghĩa ngồ ngộ của người dân Quảng Trị về thú chơi cù.

Hội cù được tổ chức tại khá nhiều địa phương ở nước ta nhưng chưa hẳn cái tích và “luật lệ” chơi ở các nơi đã giống nhau. Riêng ở Quảng Trị, người dân tin rằng thú chơi cù được dựng nên từ một câu chuyện của con trẻ. Chuyện kể rằng, ngày xưa có vợ chồng già lại không có con nên thường “mời” đám trẻ trâu đến chơi cho khuây khỏa bằng cách chuẩn bị những gói quà rồi tung lên trời để chúng đến “cướp”. Sau này, khi có quá nhiều trẻ con đến chơi, họ lại chia chúng ra làm 2 phe để cùng tranh nhau. Trò cướp cù bắt nguồn từ đó và khi đám trẻ trưởng thành, cướp cù cũng “lớn lên”, trở thành ngày hội của làng.

Như hội cù làng An Mỹ (xã Gio Mỹ) có lịch sử hàng trăm năm, thường diễn ra vào trưa mùng 4 tết âm lịch. Cứ đến ngày đó, giờ đó, dù không ai bảo ai người dân trong vùng lại kéo nhau ra đồi cát sau làng chờ các vị chức sắc đến khai cuộc. Sau các lễ nghi truyền thống, lạy tạ thổ thần đất đai, vị trưởng làng sẽ tung cù và cuộc “vật lộn” sẽ bắt đầu.

Chơi cù không phân biệt già trẻ gái trai, ai muốn thử sức thì cứ “nhào vô”, tất cả sẽ được chia ra làm 2 đội (không giới hạn số lượng người chơi) và tranh nhau 1 quả cù được làm bằng gốc chuối sứ nặng hơn 3 kg. Mỗi đội sẽ có một cái “gôn” (là cây cột cao hơn 5m, có treo rổ ở trên), đội nào ném được quả cù vào “gôn” của mình thì đội đó sẽ chiến thắng. Nghe đơn giản như vậy nhưng thực tế thì chơi rất khó. Bởi người có cù trong tay sẽ bị đám đông vây chặt, quật ngã hoặc khi may mắn thoát ra và chuẩn bị ném cù thì đội còn lại có thể dùng tay rung cột nên muốn cù vào rổ, sự may mắn phải đạt hơn... 99%. Mỗi trận cù kéo dài 3 hiệp, mỗi hiệp 30 phút và tương ứng với một quả cù (tượng trưng thiên - địa - nhân). “Suốt 5 năm qua chưa ai lập được kỳ tích ném cù vào rổ, dù vậy làng vẫn vui vì trong hội cù người ta không đặt nặng thắng thua mà xem đây chỉ là một trò chơi đầu năm, cầu cho mưa thuận gió hòa...”, ông Dương Bá Thỷ, Trưởng thôn An Mỹ nói.

Nếu chậm chân không đến xem được hội cù làng An Mỹ, bạn vẫn cơ hội thưởng thức hội cù ở làng Cẩm Phổ (cũng ở xã Gio Mỹ). Ở đây người ta vẫn thường nhắc nhau rằng “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày mồng bảy về chơi hội cù”. Cũng theo quan niệm của những cư dân nơi này có chơi cù thì mùa vụ mới tốt tươi, bằng không sẽ bị ông trời quở trách. Nên dẫu mưa gió, dẫu rét mướt thì hội cù vẫn sẽ diễn ra như thường, năm sau đông vui hơn năm trước. Và cũng giống như hội cù làng An Mỹ, hội cù của dân Cẩm Phổ cũng như là lễ “động thổ” đầu năm của làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mong may mắn đến cho tất cả mọi người.

Và rồi cứ mỗi độ xuân về, người ra lại thèm được đến hội cù, thèm đắm mình trong tinh thần thể thao thượng võ vừa linh thiêng nhưng cũng rất đỗi bình thường ấy. Ở đó, người có chút sức vóc thì lao ra cùng giành nhau quả cù cho đến khi nằm sóng soài trên đất, kẻ “thư sinh” thì đến để xem thôi cũng lấy làm vui...

Gần đây, chơi cù đã được “nâng tầm” thành lễ hội. Hội cù làng An Mỹ và làng Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh) nay nức tiếng khắp nơi, thu hút hàng ngàn người đến xem mỗi độ xuân về...

BÙI NGỌC LONG - HOÀNG SƠN -  NGUYỄN PHÚC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.