Ý kiến từ các trường đồng ý với quan điểm thay đổi, nhưng cách xác định điểm sàn thế nào cho hợp lý lại là một chuyện còn nhiều tranh luận.
Chưa đạt mức trung bình
|
Trong kỳ thi tuyển sinh chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển thì việc xác định điểm sàn - mức điểm tối thiểu để các trường xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển rất được quan tâm. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng thí sinh, điểm sàn còn phải đáp ứng nguồn tuyển các trường. Tuy nhiên, với mức điểm sàn quá thấp mà Bộ xác định trong những năm vừa qua, nhiều trường tỏ ra lo ngại đến chất lượng nguồn nhân lực trình độ ĐH.
Phát biểu tại hội nghị thi và tuyển sinh của Bộ vào tháng 1 vừa qua, PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Bộ cần xem lại vấn đề điểm sàn. Theo cách tính thông thường, 5 điểm mỗi môn mới đạt mức trung bình. Nay với điểm sàn 13 cho 3 môn để trúng tuyển ĐH (khối A, A1 - NV) thì chưa đạt mức trung bình”.
Cùng quan điểm, TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói: “Mức điểm sàn ĐH là 13 đã bao gồm cả ưu tiên khu vực và đối tượng. Có nghĩa nếu thí sinh được hưởng mức ưu tiên khu vực và đối tượng tối đa 4-5 điểm thì điểm thi thực tế mỗi môn chỉ cần chưa tới 3. Đây là mức điểm quá thấp để vào ĐH - một bậc học đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao”.
Ưu tiên nhóm ngành, khu vực
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: “Có ý kiến đề xuất nên xác định điểm sàn riêng cho từng môn thi, tôi nghĩ là không nên vì sẽ gây rối. Hơn nữa, nếu làm vậy thì kỳ thi 3 chung sẽ không còn đúng bản chất, mà sẽ chỉ còn 2,5 chung thôi”. Từ đó, thạc sĩ Tuấn cho rằng: “Việc xác định điểm sàn theo cách làm hiện nay về cơ bản vẫn phù hợp. Thực chất, điểm sàn chỉ ảnh hưởng đến một số ngành nghề khó tuyển ở các trường công lập và hầu hết các trường ngoài công lập chứ không hề tác động đến nhóm các trường có điểm trúng tuyển cao. Như vậy, nếu điều chỉnh điểm sàn thì chỉ cần ưu tiên theo khu vực và nhóm ngành. Cụ thể, có thể xác định một mức điểm thấp hơn so với điểm sàn chung cho những khu vực khó khăn, một số nhóm ngành khó tuyển nhưng cần tuyển như công nghệ kỹ thuật, nông lâm… Riêng với ngành sư phạm, dù khó tuyển cũng không được hạ điểm sàn vì đây là ngành “máy cái” của các ngành, cần có chính sách khác để thu hút học sinh giỏi”.
|
TS Phan Ngọc Minh đồng tình: “Bộ nói xác định điểm sàn dựa trên mức điểm trung bình của thí sinh nhưng không công bố rõ ràng cơ sở xác định này. Tôi nghĩ điểm sàn nên xác định riêng cho từng khối ngành để đảm bảo điều tiết được nhu cầu học của thí sinh, ví dụ chia ra các nhóm kỹ thuật, nông lâm, sư phạm, y dược, kinh tế… Những ngành dư thừa thì xác định điểm sàn cao lên, ngược lại ngành khó tuyển thì thấp đi”.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng việc xác định điểm sàn thấp vẫn không đủ sức thu hút thí sinh vào những trường, ngành khó tuyển. PGS-TS Đỗ Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn trao đổi: “Điểm sàn thì thấp nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ thí sinh. Theo tôi thấy có nhiều thí sinh thà chấp nhận đi học bậc thấp hơn như trung cấp, CĐ uy tín hơn là vào những trường ĐH mới mở. Do vậy, để thu hút thí sinh việc chúng ta cần làm không phải là hạ điểm sàn, thay vào đó cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH, đóng cửa các trường yếu kém”.
Công lập “bắt cả con cá lớn và cá nhỏ” Việc xác định điểm sàn ra sao để có thể phân luồng được nguồn tuyển sinh giữa trường ĐH công lập và ngoài công lập; trường ĐH trọng điểm và những trường ĐH có quy mô nhỏ là vấn đề mà nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tại hội nghị thi và tuyển sinh của Bộ vào tháng 1 vừa qua. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, cho rằng: “Việc xác định điểm sàn hiện nay của Bộ chưa chính xác. Nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không có trường ĐH ngoài công lập nào cạnh tranh được”. Một đại diện tại TP.HCM ví von trước đây các trường ĐH lớn chỉ bắt cá kình, cá lớn ở đại dương thì nay đã vào sát bờ để bắt cả cá con, cá kèo, cá nhỏ. Các trường ĐH lớn lấy điểm chuẩn cận điểm sàn khiến cho các trường ĐH nhỏ, trường ĐH ngoài công lập không thể không hao hụt nguồn tuyển”. Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đề nghị: “Đề thi nên ra phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, không khuôn mẫu nhưng cũng phải đảm bảo để thí sinh học lực trung bình thì đạt điểm trung bình, tránh bị xã hội kêu ca về điểm sàn thấp như hiện nay”. Chia sẻ với những ý kiến trên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn cho phù hợp với tất cả các đối tượng tuyển sinh để xã hội có thể giám sát được chất lượng nhưng không phàn nàn rằng chất lượng giáo dục đi xuống. Bộ kêu gọi sáng kiến đóng góp của các trường”. Tuệ Nguyễn (ghi) |
Hà Ánh
Bình luận (0)