Tiền thất thoát có đòi được không ?

17/02/2013 03:00 GMT+7

Trong hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2013 diễn ra tại Hà Nội, bà Vũ Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết sẽ có rất nhiều khó khăn khi thu hồi các khoản tiền thất thoát trong vụ án Vinashin.

Theo bà Dung, hiện cả nước có gần 700 đơn vị thi hành án dân sự (THADS) cấp huyện và 63 đơn vị cấp tỉnh, chưa có cấp T.Ư. Điều này khiến việc thi hành những bản án lớn, có quy mô rộng, tài sản nằm rải rác gặp rất nhiều khó khăn.

Không dễ thu hồi

Ông Nguyễn Quế Dương, Tổng giám đốc Vinashinlines, cho biết theo bản án thì công ty sẽ được “hưởng” hơn 900 tỉ đồng từ việc truy thu tiền do các đối tượng gây ra. Tuy nhiên đến nay lãnh đạo Vinashinlines vẫn chưa rõ theo quy định mình có được trực tiếp đề nghị thi hành án thu hồi số tiền đó không hay phải nhờ cậy Vinalines hoặc Bộ GTVT. “Chúng tôi rất trông chờ vào khoản tiền này nhưng không dễ mà thu hồi được đâu. Với chúng tôi bây giờ thu được đồng nào cũng đều rất quý”, ông Dương nói.

Kinh nghiệm từ vụ án Epco-Minh Phụng

Trước đây, sau khi vụ Epco-Minh Phụng được xét xử và bản án có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập ở cấp T.Ư Ban chỉ đạo THADS phần tài sản. Đây là ban chỉ đạo lần đầu tiên được thành lập ở T.Ư nhằm chỉ đạo đối với công tác THADS một vụ việc cụ thể và đã chứng minh được tính hiệu quả. Mặc dù vậy sau hơn 11 năm việc THADS vẫn chưa hoàn thành. Một khối lượng tài sản không nhỏ chưa thu hồi được và vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều đó khiến Tổng cục THADS và cả lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng cần phải có một cấp cao hơn quán xuyến, chỉ đạo việc thi hành án vụ Vinashin.

Theo bản án phúc thẩm được TAND tối cao tuyên hồi tháng 8.2012, các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái...” xảy ra tại Vinashin phải bồi thường số tiền lên tới 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin) và Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương - Vinashinlines) phải bồi thường cho Vinashinlines mỗi bị cáo hơn 495 tỉ đồng. Ngoài ra, Phạm Thanh Bình và một số bị cáo khác phải bồi thường cho nhiều công ty khác nhau số tiền hàng chục tỉ đồng...

“Từ kinh nghiệm thành lập Ban chỉ đạo Epco-Minh Phụng có thể cân nhắc việc thành lập ở cấp T.Ư Ban chỉ đạo để chỉ đạo những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp, có tầm cỡ như vụ Vinashin”, bà Dung đề xuất. Theo bà Dung, Ban chỉ đạo có thể do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục THADS làm trưởng ban.

Cần lập ban chỉ đạo

Theo lãnh đạo Cục THADS Hải Phòng thì trung bình mỗi năm Hải Phòng phải thụ lý từ 15.000-16.000 vụ việc, trong khi chỉ có chưa đến 70 chấp hành viên. Điều đó khiến việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Dung cho biết đối với vụ Vinashin hay bất cứ một vụ án nào khác, ngay trong quá trình tố tụng các cơ quan chức năng liên quan đã phải tiến hành xác định tài sản của can phạm, đương sự đang ở chế độ như thế nào, liên quan ra sao... để áp dụng biện pháp ngăn chặn, phong tỏa kịp thời. Sau khi bản án có hiệu lực thì cơ quan THADS tiếp tục xác minh các điều kiện thi hành án của từng người liên quan song song với quá trình thi hành án hình sự. Trong điều kiện đương sự, can phạm không đảm bảo THADS thì phải áp dụng theo các quy định khác của pháp luật.

Tiền thất thoát có đòi được không ?
Đòi được tiền của các bị cáo trong vụ án Vinashin như bản án đã tuyên không đơn giản - Ảnh: Thanh Phong

Chiểu theo quy định hiện hành, bản án của TAND tối cao đã có hiệu lực thì sẽ chuyển về Cục THADS TP Hải Phòng để ra quyết định thi hành án. Trước mắt, Cục THADS TP Hải Phòng sẽ thực hiện thu hồi các phần tài sản thuộc sở hữu của nhà nước; các tài sản thuộc cá nhân, tổ chức khác phải có đơn đề nghị thì thi hành án mới tiến hành. “Với một vụ việc quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận và liên quan đến nhiều vấn đề, có cả vấn đề chính trị như thế này thì nên có ban chỉ đạo ở tầm T.Ư để đốc thúc, giám sát thực hiện. Trong một vụ việc lớn như thế nếu để xảy ra một sai sót nhỏ trong quy trình có thể dẫn tới hậu quả khó khắc phục”, bà Dung nói.

Một lãnh đạo Tổng cục THADS cũng cho rằng việc thành lập cơ quan thi hành án cấp T.Ư sẽ giúp công tác thi hành án, thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ việc phức tạp, quy mô lớn tốt hơn, mà điển hình tới đây sẽ là vụ sai phạm tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong đó số tiền truy thu của các bị can như Dương Chí Dũng sẽ không hề nhỏ.

Thái Sơn - Thế Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.