Đối đầu trong lễ hội

18/02/2013 03:20 GMT+7

Cách đây gần hai chục năm, hàng quán, nhà cửa trên đường đi lễ chùa Hương còn dựng sơ sài bằng tre, nứa nhưng người đi lễ chùa cũng đã đông lắm. Thời đó đến mùa hội chùa Hương, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người chủ quán vác một cây gậy ra để… chặn đuổi khách vãn cảnh.

>> Không còn cảnh lộn xộn ở lễ hội chùa Hương Tích
>> Hình ảnh chưa đẹp ngày khai hội chùa Hương
>> Nạn “chặt chém” ở hội chùa Hương
>> Lễ hội chùa Hương 2013

Là bởi người hành hương sau khi phủ kín đường chính, đã trèo lên đi đường “tà” băng qua sau lưng nhà, lưng quán của dân địa phương. Người người ùn ùn đi, đạp nát lưng quán. Dân sở tại kính khách không nổi, phải vác dao, vác gậy ra đuổi chỉ để mưu cầu bảo vệ tài sản cá nhân. Cái hành thiện của người hành hương lại thành cái phiền của người nơi đất Phật.

Giờ đây, đường lễ Phật chùa Hương gần hơn vì xe cộ nhiều, chùa bớt cao vì đã có cáp treo. Dân địa phương cũng không còn sợ cảnh bị đạp nhà, đạp quán nữa. Họ đã là đội chủ sân biết “đá rắn” hơn trước nhiều. Thế nên, chủ không sợ khách đã đành, khách sơ ý là bị “xơi” đủ kiểu. Từ đội lễ đến ăn uống, hàng quán “chém” thẳng tay. Nói kiểu dân gian là mất hết cả tình cảm. Dân địa phương với khách viễn xứ cứ chả còn nghĩa đồng bào mà thành ra đối thủ. Người giữ miếng, kẻ lợi dụng sơ hở của nhau.

Với những lễ hội quá tải, việc tranh cướp đương nhiên không phải sự lạ. Nó chia nhỏ người hành hương thành những nhóm đối thủ. Họ đối đầu vì quyền lợi rõ ràng. Đối đầu để anh hay tôi lên cáp treo trước. Có cái lá ấn lộc, tôi với anh ai xí trước để thăng quan tiến chức cho mau. Người đi lễ có thể tránh “chặt chém” bằng cách mang đồ ăn, đồ lễ sẵn hoặc bái vọng từ xa. Nhưng tới tranh giành lẫn nhau giữa những người đi lễ để xin lộc thì hầu như không tránh nổi. Nhà tổ chức còn đổ thêm dầu vào lửa bằng cách “thổi” linh thiêng của lễ vật, của việc vào được động chính, đặt được lễ lên ban chính. Tranh cướp càng đượm, càng nồng.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, thần linh trong giới hạn nào đó là ngọn đèn sáng tinh thần để con người hướng vào mà hành thiện. Thần linh cũng kéo con người khỏi vị kỷ để đoàn kết yêu thương. Cũng theo ông, điểm đầu tiên của lễ hội cổ truyền là mang tư cách tập hợp quần chúng, nhằm góp phần củng cố sức mạnh nhân dân. Nhờ đó, việc “đèn nhà ai nấy rạng” kiểu tiểu nông được bù đắp bằng liên kết cộng đồng. Qua lễ hội, người ta tìm thấy vinh quang trong cộng đồng bằng cách tham gia việc chung. Nhờ thế mới có chuyện sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với lòng tự nguyện và tinh thần tự giác cao.

Đi lễ hội, nói cho cùng là để được hòa đồng trong một tinh thần cộng cảm chung như thế, chứ không phải để trở thành đối thủ như nhiều người rơi vào liên tiếp thời gian gần đây.

Tiếc thay nhà quản lý địa phương lại thờ ơ hoặc khó chịu với những đóng góp chân thành về thiếu sót của địa phương mình trong công tác tổ chức lễ hội. Khó chịu có nhiều kiểu. “Hàng nóng” là lên tiếng không chính thức với truyền thông nhưng cũng có kiểu ngoại giao hơn là nói chúng tôi tốt và không có chuyện xấu đến như thế. Kiểu nữa là mũ ni che tai, cho rằng mình cố thế là hết sức rồi. Để năm này qua năm khác, lễ hội vẫn lộn xộn y nguyên.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.