ATM = Ách tắc mãi
|
Tết là thời điểm mà người sử dụng thẻ ATM bức xúc nhất với ATM. Đến nỗi chữ ATM được nhiều người “dịch” vui thành Ách tắc mãi. Năm nào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ráo riết đưa ra các giải pháp tăng chất lượng dịch vụ của ATM như buộc các ngân hàng (NH) tăng cường giám sát, kiểm tra, túc trực 24/24 để giải quyết khiếu nại, châm thêm tiền... Thế nhưng, những hàng người rồng rắn chờ rút tiền, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cứ ngày một dài ra, bức xúc ngày càng tăng.
Công bằng mà nói, ATM đã cung cấp một dịch vụ hiện đại cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi nói về các sự cố ATM trong dịp tết, bà Nguyễn Thanh Hằng - Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank - thừa nhận: “Tôi đã hơn chục năm gắn bó với thẻ, cùng anh em nếm đủ trái đắng, nhưng quả thực những nỗ lực ngày đêm là không xuể so với những nhu cầu tăng đột biến về giao dịch ATM nên không tránh khỏi sự cố”.
Những tiện ích mà ATM mang lại thì không ai phủ phận, nhưng nếu đem so sánh với nỗi vất vả, cực nhọc của những người lao động phải xếp hàng dài cả buổi chỉ để rút mấy triệu tiền lương, thưởng về quê ăn tết thì thật chẳng thấm vào đâu. Chưa kể các trường hợp nhiều người bị mất tết vì bị máy nuốt thẻ, không có tiền tiêu tết... Sự phiền phức vì ATM, nỗi bực dọc của người sử dụng có thể tìm thấy trên rất nhiều diễn đàn mạng như webtretho, lamchame, tinhte... “Chính phủ muốn người dân chúng tôi thanh toán bằng thẻ, không dùng tiền mặt thì phải thay đổi cách làm, chứ vẽ cái thẻ ra chỉ để đứng xếp hàng rút tiền cả ngày như thế này thì chỉ làm khổ nhau thôi”, bà Nguyễn Thị Tam - cán bộ hưu trí ngụ tại phố Đội Cấn, Hà Nội - bức xúc.
Thẻ rác
Có một thực tế không vui là hiện nay theo thống kê, người dân đang sở hữu khoảng 50 triệu thẻ NH, trong đó không ít người sở hữu tới 4-5 thẻ, nhưng lại để “đắp chiếu” trong ví chứ không sử dụng. Các NH cạnh tranh ồ ạt phát hành thẻ dẫn đến tình trạng thẻ nhiều như sim rác. Theo ước tính của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, có tới 40-50% số thẻ trên thị trường hiện nay là thẻ rác. Một lãnh đạo hiệp hội nhận định có rất nhiều người kể từ khi nhận thẻ đến khi hết hạn không sử dụng một lần nào.
|
Phát hành thẻ nhiều nhưng ra không có người dùng, chi phí tăng lên, NH lại phải tập trung tìm cách tăng phí để bù đắp. Một số NH còn lén lút thu phí nội mạng, trước và cả sau khi NHNN ra lệnh cấm. Chị Kim Loan (ngụ ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Hôm trước tôi đi rút tiền để thanh toán tiền vé xem phim tại Vincom, không hiểu thế nào mà dạo này máy ATM ở đó thu cả tiền in hóa đơn 1.100 đồng/lần”. Còn anh Nguyễn Văn Tiến (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Chỉ một lần muốn sao kê giao dịch bằng thẻ tín dụng mà có lúc tôi bị thu tới mấy trăm nghìn đồng thì thật không hiểu nổi”.
Tại một hội thảo gần đây, bà Dương Hồng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN nhận định: Dịch vụ thẻ NH mới chỉ tăng về số lượng mà chưa có sự chuyển biến thực sự về chất lượng; mục tiêu cuối cùng là sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ thay vì dùng tiền mặt, nhưng hiện nay hệ thống ATM chủ yếu là để rút tiền mặt, việc chuyển khoản chỉ được thực hiện chủ yếu trong nội bộ từng NH, dịch vụ đi kèm ATM chưa phát triển. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Các NH nên cân nhắc việc tăng phí tránh gây bức xúc cho người dân. Tăng thu phí phải đi đôi với chất lượng, mở rộng dịch vụ.
Một thực tế khác là những tiện ích khác dành cho chủ thẻ vô cùng hạn chế, đơn điệu. Bà Nguyễn Tú Anh - TGĐ Công ty CP dịch vụ thẻ Smartlink - cho biết: Thị trường thanh toán bán lẻ của NH không thiếu các công cụ thanh toán tiện dụng, an toàn nhưng lại thiếu mạng lưới chấp nhận thanh toán và kênh thanh toán. Thị trường thẻ thanh toán ATM/POS (điểm chấp nhận thẻ) chủ yếu do các NH tự triển khai một cách riêng lẻ khiến chi phí đầu tư cao, tính tương thích, liên thông giữa các NH không có và ngay chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn bảo mật cũng không đồng đều.
Đánh giá của Hiệp hội Thẻ cũng cho thấy gần như 70-80% lượng giao dịch chỉ để rút tiền. Theo số liệu của NHNN, trong năm 2012, giao dịch ATM lên tới 127,5 triệu lượt, tương đương giá trị gần 125.000 tỉ đồng. Trong khi giao dịch ở các điểm POS và thanh toán khác chưa đầy 100.000 giao dịch, tương ứng giá trị gần 29.000 tỉ đồng. Nhiều khách sử dụng thẻ cho biết bất tiện lớn nhất là các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ quá ít. Tại các siêu thị lớn ở TP.HCM và Hà Nội, thời gian thanh toán bằng thẻ quá lâu (phải chờ nhân viên thu ngân in phiếu, xong đến POS xếp hàng cà thẻ, quay lại quầy đưa thẻ và hóa đơn để nhân viên nhập dữ liệu) khiến người sử dụng thẻ rất ngại, nhất là khi nhiều người đang xếp hàng sau mình để chờ tính tiền.
Chất lượng kém, dịch vụ hạn chế trong khi phí sử dụng thẻ thì cứ tăng lên và nhiều thêm.
Anh Vũ
Bình luận (0)