Mỗi sáng, ông Đặng Minh Trí (thị trấn Óc Eo) với chiếc xe cà tàng rời khỏi căn nhà thấp, nơi ngổn ngang những đồ vật không nguyên vẹn. Một tuyến đường được ông vẽ ra từ những chỉ dẫn sơ sài của các “đồng nghiệp”. Đại loại như: “Ở đó người còn cái bình đẹp lắm”; “ở kia có bức tượng mà “me” hoài không được”…, những thông tin có thể dẫn ông Trí đến với những nơi người ta có thể bán một món cổ vật rẻ tiền nào đó. Hy vọng của ông đôi khi là mong chiếc bình đừng bị bể nhiều quá, hay pho tượng chỉ sứt tay, sứt mẻ chút ít thôi… để ông có cửa "binh" lại được.
Nhà ông Trí có hẳn các “nguyên, vật liệu” cổ vật. Đó có khi là cái cổ bình, là phiến đá cổ, hoặc chỉ là miểng của nhiều vật dụng Óc Eo... được ông thu thập về để biết đâu sẽ có ngày dùng tới. Ông thường dành thời gian cả ngày rong ruổi chỉ để kiếm… phần còn lại của món đồ mà ông vừa mua được. Miễn là nó khớp với những thứ ở nhà ông có. Hoặc tìm mua những món đồ bằng đá, bằng sứ bị sứt mẻ, sau đó ông chỉ làm mỗi việc là vá chúng lại và… đem bán. Buổi tối chúng tôi ghé qua, lúc ông Trí vừa mua về được 2 chiếc bình cổ Óc Eo, chiếc bị nứt, chiếc bị sứt miệng. Ông nói thật rằng nhiều món mua về không nguyên vẹn thì ông sẽ làm cái việc là vá chúng lại. Những vết vá của ông ít khi bị phát hiện, nhưng “đạo đức nghề nghiệp” ông cũng phải nói thật với người mua là ông đã “sanh sửa” chúng lại. Như vậy còn hơn là lừa bán đồ giả cổ cho người ta.
|
Vẻ mặt tếu tếu, nói thật bằng cái giọng… nói đùa, diễn đạt những câu chuyện rời rạc không đoạn kết, ông Trí đã “làm khó” khi chúng tôi phải thẩm định những gì ông nói bằng… nét mặt của ông. Thế nhưng, khi theo chúng tôi vượt dốc lên đỉnh Ba Thê, ông tâm sự rằng ông ít tiền. Chỉ có thể suy nghĩ đến chuyện tầm cỡ ký gạo, bó rau để nuôi vợ con. Còn bước vào nghề buôn cổ vật, nhất là cổ vật Óc Eo hay huyễn hoặc nhau thì ông không có khiếu. Khiếu duy nhất của ông là vá cổ vật. Tùy theo chất liệu của từng loại cổ vật mà ông có “công thức” vá khác nhau. Ví dụ đồ bằng đá thì ông phải vá ghép chúng bằng bột đá Óc Eo hẳn hoi, hoặc cổ vật bằng gốm “3 da” thì ông cũng có bột gốm Óc Eo… Những loại bột đó không ở đâu có bán, mà do ông đi mua phế liệu cổ vật. Cái nào dùng được thì dùng, cái nào nát quá thì mài ra thành bột dùng để vá những thứ khác.
Một lần khác cà phê với chúng tôi trong buổi sáng không rong ruổi, ông Trí cằn nhằn rằng ai đó gọi ông là đi buôn đồ cổ thật ra không chính xác. Rằng đồ ông mua thường ít khi nguyên vẹn. Không có những người như ông thì người ta chỉ có thể bỏ phế chúng. Ông lại “có công” phục chế chúng thành những món đồ nhìn có vẻ như hoàn thiện. Nhà ông Trí có 3 người đều làm nghề dính dấp tới cổ vật. Nếu như người anh kế của ông hay sang Campuchia mua về những món hàng độc, hàng “giống” cổ vật Óc Eo, thì ông Trí với bản tính chất phác, lầm lũi làm nghề “ve chai cổ vật” để nuôi vợ và 5 con gái.
Vét cổ vật “thứ phẩm”
Ông Khưu Văn Hoàng nói khi ông bước vào nghề buôn đồ cổ thì tại Óc Eo chỉ còn nhiều là các xâu chuỗi hạt, bị xem như hàng thứ phẩm, là người ta chưa đụng tới. Những xâu chuỗi do những người đào vàng bỏ lại, hoặc dân ở đây cuốc rẫy, đào mương nuôi cá… gặp được, vốn dùng để cho con nít đeo chơi; hạt tròn thì dùng bắn bi. Đến một ngày người ta tin rằng những xâu chuỗi đá ngàn năm này đeo vào tốt cho sức khỏe thì lại có người ráo riết tìm mua. Ông Hoàng từ đi bòn vàng, chuyển sang bòn chuỗi hạt. Thấy có lời, ông chuyển sang mua chuỗi hạt rồi chở ra Long Xuyên bán cho người quen. Đôi khi gom được nhiều chuỗi hạt, ông chở xuống tận Sóc Trăng bán cho ông Ba Cà Rem ở khu vực Cầu Đen. Ông Hoàng nói, mỗi ngày ông “đi” 1 tô chuỗi, lời không ít. Một xâu chuỗi hạt Óc Eo có 40 - 50 hột, bán với giá 40.000 - 50.000 đồng. Ngày nay, mỗi xâu chuỗi như thế rẻ cũng vài chục triệu. Được một thời gian, khi nhà nước có lệnh cấm đào bới khu vực di chỉ, ông Hoàng cũng bỏ nghề buôn chuỗi. Chỉ còn chừa lại xâu chuỗi hạt nhiều màu mà ông cho rằng đẹp nhất ông từng thấy. Nhưng về sau ông cũng phải bán đi xâu chuỗi cuối cùng để có tiền cải tạo đất đai trồng lúa.
Những người buôn bán, sưu tầm cổ vật Óc Eo luôn có những đường dây liên hệ khá mật thiết. Thế nhưng, những người làm nghề “ve chai cổ vật” ở đây còn có “đường dây” khác là những ai từng tham gia bòn vàng. Ông Đặng Minh Trí nói thường những người bòn vàng khi về quê hay mang theo các cổ vật để làm kỷ niệm. Nhớ tới người nào, ông hỏi thăm rồi đi tìm người đó. May mắn thì có cổ vật mua về. Còn nguyên thì mua giá cao. Những cổ vật không được gìn giữ, để hư hại thì mua giá thấp. Hoặc không có cổ vật để bán thì cũng coi như tìm đến thăm nhau. Vơ vét như thế mới có đồ để “quay vòng” kiếm sống, dù rằng họ sống trong vùng đất vốn được xem là “mỏ” cổ vật. Nhưng cũng như một thời bòn vàng, cổ vật Óc Eo cũng chỉ dừng lại ở những gì quý giá bị khai quật đem đi. Và họa chăng còn lại là những món đồ “ve chai” mà những người như ông đang kiếm tìm để “sanh sửa”.
Tiến Trình
Bình luận (0)