>> Áp thấp nhiệt đới có thể thành bão
>> Áp thấp nhiệt đới sắp vào biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới đang nằm trên khu vực phía tây nam biển Sulu (Philippines), cường độ mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7 - cấp 8.
|
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên cường độ và di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km.
Dự báo, chiều mai 22.2, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 280 km về phía đông đông nam.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, áp thấp nhiệt đới, nhiều khả năng sẽ suy yếu và “chết” dần trên biển, gần như không có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trước mắt, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động.
Trong khi đó, trên biển Đông đang có một vùng thấp hoạt động, nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Trên đất liền, không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc đã bắt đầu suy yếu nhưng trời vẫn mưa, rét. Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được trong sáng nay tại Hà Nội là 13,7 độ C; Chí Linh (Hải Dương) 13,5 độ C; Móng Cái (Quảng Ninh) xuống tới 13 độ C; Cúc Phương (Ninh Bình) 14,7 độ C; Sa Pa (Lào Cai) rét hại 8,9 độ C...
Dự báo, khoảng đêm mai 22.2, sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tăng cường yếu xuống miền Bắc nước ta. Như vậy, đợt rét này sẽ kéo dài khoảng 3-4 ngày nữa.
Tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ đêm mai 22.2, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của nhiễu động trong đới gió đông trên cao sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông.
Quang Duẩn
Bình luận (0)