Các đại biểu tham dự kỳ họp đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều thay đổi.
Tại Lạng Sơn, việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo nguyên tắc tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ông Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện tinh thần dân chủ để mọi người dân, cán bộ, đảng viên… có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến vào các vấn đề của quốc gia đối với từng điều khoản cụ thể. Ý kiến của các đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp đầy đủ và gửi Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo.
Đối với Chương I, các đại biểu khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Góp ý vào chương IX các Điều 115, 116 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho rằng nên quy định rõ hệ thống hành chính quốc gia là do Hiến pháp quy định và xem xét việc đổi tên Ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương thành Ủy ban hành chính tại địa phương đó.
Đại biểu Trương Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh cho rằng Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết, công tác cán bộ. Tuy nhiên, cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi.
Đối với Điều 107 và 112 tại chương VIII cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân.
Đối với khoản 3, khoản 4 Điều 108, bà Hồ Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho rằng nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp do luật định.” Đối với Điều 120 về thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu góp ý đây là thiết chế mới, Hội đồng Hiến pháp cần được tổ chức theo cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.
Đối với Chương IX về Chính quyền địa phương, các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nhận được 175 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong đó có 55 ý kiến góp ý trực tiếp và 120 ý kiến góp ý bằng văn bản).
Theo TTXVN
Bình luận (0)