Khi đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL do một thứ trưởng dẫn đầu đến thanh tra một ngôi đền, đền đóng cửa. Đáp lại đập cửa, cụ thủ nhang nói vọng ra bảo rằng phải chờ một lát để còn khấn xin đài (xin âm dương bằng hai đồng xu - NV) đã, được thì cụ mới mở cửa cho vào. “Tôi phải nói đây là chúng tôi đi kiểm tra, không phải đi lễ. Kiểm tra thì không phải xin đài gì cả”, ông Phạm Xuân Phúc - Phó chánh thanh tra Bộ kể lại.
|
Đoàn thanh tra sau đó tuy không phải chờ xin đài, nhưng cũng mất mươi mười lăm phút để chờ trưởng thôn, trưởng ban tổ chức lễ hội ra, cửa đền mới mở. Tuy nhiên, ông Phúc có vẻ rất thông cảm. “Không phải người ta không cho vào, mà bảo vào phải chờ như thế. Người ta chỉ bảo thủ tục như thế, không thể phạt được. Không có chế tài thì làm sao mà phạt”, ông Phúc nói.
Không thể phạt
Không phải chuyện xa xôi như thế, đầu năm nay, khi kiểm tra thanh tra lễ hội ở chùa Bái Đính, đoàn kiểm tra đứng đầu là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng bắt được tận nơi một người đang trèo thang vượt tường để đi lễ. Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ, người này sau đó cũng chỉ bị nhắc nhở chứ không bị phạt. “Có hành vi gì để mà phạt đâu. Vì họ trèo từ vườn nhà nọ sang nhà kia thôi. Đấy là hành vi dân sự. Cái đấy do người đi lễ bị cò lừa. Cách đó 200 m có chỗ đi bộ vào thoải mái nhưng người ta không biết”, ông Thành nói. Ông Thành cũng cho biết đã nhắc nhở chùa Bái Đính phải đọc loa để nhắc nhở chuyện trèo tường, treo biển báo để người đi lễ biết đường đi rõ ràng.
|
|
Liên lạc lại với một người từng trèo thang bật tường tại chùa Bái Đính trong mấy ngày tết vừa qua, chị cho biết, trường hợp của chị hoàn toàn không phải như vậy. “Khi chúng tôi hỏi mấy nhân viên tại đó (chỗ chờ xe điện) có chỗ nào để đi ra, họ bảo không có”, chị K.A.N nói. Những bức ảnh do chị cung cấp cũng cho thấy cảnh quan không giống với chỗ đoàn thanh tra “bắt” được người trèo thang vượt tường. Như vậy, chưa rõ liệu biện pháp mà đoàn thanh tra yêu cầu chùa Bái Đính thực hiện có thể xóa được cảnh bật tường này hay không.
Hòa cả làng
Một việc khác mà Thanh Niên phản ánh những ngày đầu năm 2013 vừa rồi là hiện tượng các nữ quái dụ người đi lễ đặt tiền xin lộc tại đền Bà Chúa kho. Theo đó, các nữ quái có cả nhóm, luân phiên nhau mời người đặt tiền trên một đĩa nhựa để xin lộc. Số tiền này sau đó được trút vào một thùng nhựa đỏ. Ảnh chụp khá rõ. Một hiện tượng cũng được Thanh Niên chỉ mặt đặt tên là ép phải thuê hóa vàng tại đây. Song về điều này, ông Phạm Đình Tân, Phó chánh văn phòng cũng là người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cho biết, không thể dựa trên những bức ảnh đó để xử phạt được. “Ảnh chụp thì chỉ lúc đó thôi. Chứ đăng ảnh xong đến nơi không còn nữa”, ông nói.
Ông Tân cũng cho rằng, chỉ có cách có các đoàn liên ngành đi vi hành, bắt tại chỗ rồi phạt tại chỗ. Tuy nhiên, Bộ không thể trải ra hết bởi số lượng lễ hội quá đông.
“Hệ thống thanh tra của mình chưa hiệu quả”, GS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói. “Một là ít bắt được vi phạm. Hai là bắt được cũng không làm gì. Nó dĩ hòa vi quý nên dẫn đến hòa cả làng”. Có lẽ điều này lý giải phần nào việc cho tới giờ này của mùa lễ hội 2013, chưa có một vụ phạt vi phạm trong lễ hội nào. Trước đó, năm 2012, thanh tra lễ hội diện rộng suốt cả năm mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính một khoản tiền là 21 triệu đồng. Cùng lúc, thống kê chưa đầy đủ cho thấy tiền công đức, tiền giọt dầu tại di tích, lễ hội là 297 tỉ đồng. Như vậy, số thu quá lớn so với tiền phạt. Vì thế, nếu địa phương nhắm mắt làm ngơ trước vi phạm cũng là dễ hiểu.
Chính vì thế, trách nhiệm quản lý của Bộ VH-TT-DL, cũng như trách nhiệm tạo dựng pháp chế, kỷ cương của thanh tra Bộ cần được đề cao hơn. Việc tạo dựng kỷ cương này cần được đẩy mạnh cả trong việc có những quy phạm pháp luật đầy đủ để xử phạt các hành vi vi phạm, lẫn việc cương quyết không để hòa cả làng. Bởi từ việc đặt lộn xộn một vài tờ tiền trên ban thờ cách đây chục năm, giờ đây văn hóa dán tiền lên mình, đút tiền vào mồm tượng Phật đã trở nên phổ biển.
Trinh Nguyễn
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 7: Sàm sỡ, đánh nhau...
Bình luận (0)