Tìm ngành học đáp ứng nhu cầu địa phương

24/02/2013 03:40 GMT+7

Sáng 23.2, gần 2.000 học sinh lớp 12 các trường THPT Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Trấn Biên, Ngô Quyền của TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có mặt để nghe các chuyên gia tư vấn của Báo Thanh Niên giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

Sáng 23.2, gần 2.000 học sinh lớp 12 các trường THPT Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Trấn Biên, Ngô Quyền của TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có mặt để nghe các chuyên gia tư vấn của Báo Thanh Niên giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

 Tìm ngành học đáp ứng nhu cầu địa phương
Học sinh Đồng Nai háo hức tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học để làm việc ngay tỉnh nhà

 
Chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên xin cảm ơn Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT tỉnh, Đài phát thanh - truyền hình, VNPT Đồng Nai, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã phối hợp tổ chức thành công chương trình. Cảm ơn Công ty CP vận tải và du lịch Phương Trang đã hỗ trợ xe đưa đón đoàn tư vấn, Trường ĐH Lạc Hồng đã trao tặng 5 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho HS Trường THPT Bùi Thị Xuân.

Tại buổi tư vấn, phần lớn học sinh (HS) quan tâm tới những ngành nghề mà khi tốt nghiệp có thể phục vụ ngay tại quê nhà. Một HS Trường THPT Trấn Biên gọi điện qua đường dây nóng, hỏi: “Em biết đường cao tốc Dầu Giây - TP.HCM đang được hình thành, em muốn được xây dựng con đường này thì nên thi vào ngành nào?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “Nếu thực sự muốn được góp phần xây dựng con đường chạy qua quê hương mình, em có thể học ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (gồm các chuyên ngành xây dựng đường bộ, quy hoạch giao thông, xây dựng cầu hầm, xây dựng đường sắt - metro...)”.

HS Lê Văn Hiển, Trường THPT Bùi Thị Xuân băn khoăn muốn biết học các ngành kỹ thuật nào để về khu công nghiệp của tỉnh làm việc. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó phòng Đào tạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Có rất nhiều ngành nghề kỹ thuật mà các em có thể theo học để phục vụ tại các khu công nghiệp trong vùng như công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật môi trường... Nhiều trường có đào tạo ngành này như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM...”.

 

Đồng Nai cần 90.000 lao động mỗi năm

Tại buổi tư vấn, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đã cung cấp những thông tin bổ ích đối với việc chọn ngành, nghề: “Đồng Nai là tỉnh có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn. Năm 2013 và các năm tiếp theo, tỉnh cần 90.000 lao động mỗi năm. Sinh viên tốt nghiệp các ngành cơ khí, điện tử, chế tạo máy... có cơ hội việc làm vô cùng thuận lợi. Từ năm 2015 đến 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu tỉnh cần nhiều là công nghệ sinh học, tin học, viễn thông, y tế, vật liệu mới...”.

HS Nguyễn Thái Dũng, Trường THPT Ngô Quyền thắc mắc: “Em được biết ngành dược của ĐH Lạc Hồng tuyển cả 2 khối A và B, vậy thi khối nào thì dễ đậu hơn và cơ hội việc làm ra sao?”. Tiến sĩ Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Dược sĩ bậc ĐH là một ngành mới của trường năm nay. Các em nên thi khối A nếu thấy mình khá toán, lý, hóa và khối B nếu khá môn sinh. Tuy nhiên, nếu em thi khối B mà không đậu ngành dược thì sẽ được xét tuyển vào 2 ngành cùng khối B là hóa và sinh, sau khi tốt nghiệp, em có thể học văn bằng 2 ngành dược tại ĐH Y Dược TP.HCM để thực hiện mong muốn ban đầu của mình”.

Có năng khiếu hát, thi ngành nào phù hợp?

Giữa hàng loạt câu hỏi về khối ngành kinh tế, kỹ thuật, cả sân trường bất ngờ vỗ tay thú vị khi một HS Trường THPT Lê Hồng Phong gọi điện qua đường dây nóng nhờ tư vấn: “Em nhận thấy mình có năng khiếu làm ca sĩ vì có giọng hát hay và tự thấy mình cũng khá... xinh đẹp, vậy em nên thi ngành nào, trường nào thì phù hợp?”. Thạc sĩ La Hoàng Dũng, Phó phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sài Gòn, khuyên: “ĐH Sài Gòn có đào tạo ngành sư phạm âm nhạc (không phải đóng học phí), thi môn văn và năng khiếu (hệ số 2), thời gian học 4 năm, tốt nghiệp làm giáo viên âm nhạc tại các trường THCS và THPT. Ngoài ra, ngành thanh nhạc tại trường hoặc tại một số trường khác giúp em ra trường có thể trở thành ca sĩ hoặc làm việc tại các trung tâm văn hóa...”.

Bên cạnh đó, không ít HS khá quan tâm tới các ngành mang tính đặc thù. Chẳng hạn HS Thúy Hằng, Trường THPT Bùi Thị Xuân mong muốn học ngành nào liên quan đến dự báo thời tiết để thường xuyên được tiếp xúc với gió, mây, mưa, nắng... Thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Nếu em thích làm cô gái dự báo thời tiết, có thể đăng ký ngành khí tượng -  thủy văn. Hiện nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM có đào tạo ngành này. Khi tốt nghiệp, em có thể về làm việc tại trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của tỉnh”.

Điện thoại nóng chương trình tư vấn
tại Bà Rịa - Vũng Tàu

064.3836161

8 giờ sáng nay (24.2), chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT sẽ được truyền hình trực tiếp tại Nhà văn hóa Thanh niên,TP.Vũng Tàu. Có hơn 20 trường ĐH-CĐ, trường đào tạo nghề tham gia tư vấn cho hơn 1.000 HS lớp 12 theo dõi tại chỗ. Thí sinh và phụ huynh có thể gọi điện vào đường dây nóng 064.3836161 để được giải đáp thắc mắc.

Buổi chiều cùng ngày, gần 1.000 HS các trường THPT Nguyễn Du, Nguyễn Trãi (H.Châu Đức) sẽ được các chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc ngay tại lớp học với những thông tin chi tiết, cụ thể.

Một ngày hai hình thức tư vấn lớp

Ngoài phần tư vấn cộng đồng vào buổi sáng, buổi chiều cùng ngày, chương trình Tư vấn mùa thi đã đến với hai trường THPT với hai hình thức tư vấn lớp.

Tại Trường THPT Tam Phước (H.Long Thành, Đồng Nai), mỗi phòng học có các trường đại diện cho một nhóm ngành. Theo hình thức này, HS có một lợi thế là quan tâm ngành nào sẽ đến được đúng trường có đào tạo nhóm ngành đó.

HS tỏ ra rất hào hứng với hình thức tư vấn này. Nguyễn Hoàng Thông lớp 12A7, cho biết có ý định thi vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhưng tìm hiểu thông tin thì không được nhiều và còn rất mơ hồ. Việc phân các nhóm ngành như vậy giúp Thông nhận thức được rõ ràng hơn về lựa chọn của mình qua chia sẻ của các chuyên gia. Nguyễn Văn Công, lớp 12A7, cũng cho biết các thầy trả lời rất cụ thể thắc mắc của mình và các bạn.

Ngay sau khi tư vấn lớp tại đây, hơn 20 trường ĐH, CĐ lại tiếp tục đến với HS Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (H.Long Thành, Đồng Nai). Hơn một tiếng trước khi đoàn tư vấn đến, thầy trò đã chờ đợi trên sân trường. Ông Kiều Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Trước đến nay chưa bao giờ có điều kiện đón tiếp đoàn tư vấn với số lượng các trường ĐH, CĐ phong phú và đông đảo như vậy. HS khối lớp 12 của trường đã mong đợi buổi tư vấn này từ rất nhiều ngày trước”. Không bỏ lỡ cơ hội, trong buổi tư vấn, HS thi nhau đặt nhiều câu hỏi, chủ yếu tập trung vào nhu cầu nhân lực các ngành nghề sau khi ra trường.

Đăng Nguyên - Lê Thanh

Mỹ Quyên

 >> Sôi động chương trình Tư vấn mùa thi tại Đồng Nai
>> Tư vấn mùa thi tại Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu
>> Tư vấn tuyển sinh sáng... mùng 1 Tết
>> Tư vấn mùa thi đến với học trò vùng biên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.