Có mặt tại xã Lộc Thành (H. Lộc Ninh) chúng tôi chứng kiến con suối K’Liêu chảy qua địa bàn đã cạn gần sát đáy. Chị Trần Thị Hường (người dân ấp K’Liêu, xã Lộc Thành) cho biết hàng ngày phải đi xin nước ở UBND xã về sinh hoạt. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế; để có nguồn nước lâu dài thì phải đi thuê người đào giếng. Chị Hường kể, khi cả nhóm thợ bắt đầu công việc, họ đào xuống dưới đất được chừng hơn 7 mét thì đụng phải đá xanh.
|
Một người trong nhóm thợ đề nghị phải dùng thuốc nổ để phá đá. Nhưng làm như vậy quá nguy hiểm nên chị Hường không đồng ý. Công việc đào giếng nhà chị Hường đành chấp nhận dở dang mặc dù đã mất hơn 4 triệu đồng tiền công thợ. Bên cạnh đó, anh Triệu Văn Cương (cùng ấp K’Liêu) cho biết ở đây có hàng chục giếng khoan nhưng được khoan xuống độ sâu vài chục mét cũng gặp phải đá xanh tương tự. Còn tại ấp 6, xã Lộc Hưng (H. Lộc Ninh), anh Mã Văn Miên thuê người khoan giếng sâu đến 98 mét nhưng nước vẫn rỉ ra một cách nhỏ giọt.
Thợ đào giếng vào mùa
Mùa khô ở Bình Phước là thời điểm thợ đào giếng hết sức bận rộn. Anh Trần Văn Định (khu phố Phú Xuân, Phường Phú Thịnh, TX. Bình Long, Bình Phước) - người có gần 20 năm làm nghề đào giếng cho hay: “Chỗ đất mềm, mỗi ngày 2 người có thể đào được hơn 2 mét. Với giá khoảng 550 ngàn đồng/mét như hiện nay, mỗi ngày người thợ có thể kiếm trên 500 ngàn đồng. Tiền công là vậy nhưng đâu phải là “dễ ăn”. Theo anh Định: “Nếu gặp giếng đá xanh, phải đục bằng máy mà mỗi ngày cũng chỉ được chừng 20cm. Còn nếu đục bằng tay, cả ngày mới được chừng hai xô đá”. Anh Định còn cho biết thêm, hiện tại với giếng có đá cứng, anh nhận đào với mức giá lên đến 4 triệu đồng/mét. Tuy vậy, do tiến độ đục đá rất chậm nên mỗi ngày, sau khi trừ chi phí máy móc, mỗi thợ chỉ được khoảng 300.000 đồng. Vì vậy, với thợ đào giếng, hầu như không ai muốn gặp khu vực có đá xanh.
|
Theo kinh nghiệm của những người thợ đào giếng lâu năm, ở những vùng có đá xanh như tại ấp K’Liêu, thường rất ít có nước. “Thành thật mà nói, người thợ đào giếng để kiếm sống, nhưng nếu đào giếng cho gia chủ mà không có nước, chúng tôi rất ái ngại”- anh Định bộc bạch. Với thợ đào giếng, nếu không tính đến máy đục, máy khoan đá, thì đồ nghề cũng khá đơn giản chỉ gồm có xà beng, cuốc chim và một tay quay. Thông thường, để đào một cái giếng chỉ cần 2 người thay phiên nhau. Người này xuống đào thì người kia ở trên kéo đất lên. Theo các thợ đào giếng kinh nghiệm, khi xuống giếng, họ sợ nhất là người quay xô đất ở trên không chú ý, để đất đá rơi xuống. Có những trường hợp người đào giếng chỉ bị một viên đá nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng đầu mà bị chấn thương nặng, thậm chí có người đã tử vong vì bị đá rơi trúng. Điển hình như anh Điểu Sáu ở ấp Lộc Bình 1 (xã Lộc Thành) trong khi leo xuống giếng bị rơi giữa chừng đã trở nên tàn phế, phải ngồi xe lăn.
Ngoài việc xảy ra do đất đá rơi trúng, thợ đào giếng còn có thể gặp các rủi ro khác như giếng bị lở và bị đất đá vùi lấp. Trước đây, thợ đào giếng còn bị chết ngạt khi leo xuống giếng do thiếu không khí. Hiện nay, hầu hết thợ đào giếng chuyên nghiệp đều “thủ sẵn” máy bơm ô-xi mỗi khi xuống giếng nên hạn chế được rủi ro. Mặc dù đào giếng là công việc thu nhập khá cao, giải quyết được công ăn việc làm nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và còn lắm gian nan.
Thống Nhất
Bình luận (0)