Lễ quanh năm không bằng lễ rằm tháng giêng
Chúng tôi theo con lộ từ chợ Mỹ khánh kéo dài hơn 5 km đến ấp Nhơn Lộc 1 (thị trấn Phong Điền, H.Phong Điền). Hai bên đường nhà nào cũng đặt bàn thờ có phẩm vật, bên cạnh là những đống lá khô để đốt trong lễ cầu an. Ông Trần Ngọc Lầu (64 tuổi, Trưởng ban tổ chức lễ cầu an tại ngã ba ấp Nhơn Lộc 1), cho biết vào chiều 12 tháng giêng (âm lịch), tại miếu thờ ở ngã ba sông, trong khi mọi người quây quần bên khu đất trống để vui chơi, múa hát, thì cánh thanh niên trong làng tất bật làm bè nghinh. Bè được thiết kế như chiếc thuyền hoa, bên trong gồm những lễ vật bà con đem đến cúng: bánh trái, gạo, muối, gà ,vịt, tiền âm phủ… Chiều ngày 13 tháng giêng, mọi người bày bàn hương án với bánh trái, gạo muối… trước nhà. Trên chiếc xuồng lớn chở thuyền hoa, người đàn ông đóng vai “Chánh bái đại càng” mặt bôi đen trông hung tợn, tay cầm “siêu” múa, bên cạnh một người mặt cũng bôi đen cầm chập chả đánh liên hồi. Trên bộ, có đoàn lân đi theo múa. Theo con kinh, chiếc thuyền hoa đi từ đầu ấp đến cuối ấp. Khi thuyền ghé lại nhà nào, chủ nhà ấy bắt đầu đốt lửa rồi đem các lễ vật cúng xuống xuồng. Cứ thế, tuần tự hết nhà này đến nhà khác. Quang cảnh lửa đốt sáng rực cả khúc sông, chập chả đánh liên hồi, con nít người lớn chạy đi chạy lại, thật là bức tranh sinh động thấm đẫm tình làng nghĩa xóm.
Tất cả lễ vật cúng được đưa vào thuyền hoa. Sau đó, ghe chở thuyền hoa theo con nước lớn ra sông cái, thả xuống dòng sông trôi ra biển lớn. Mục đích là tống khứ những gì xui xẻo, bệnh tật, để bà con bình an mạnh khoẻ, làm ra của cải.
|
Ngày hội sông nước
Năm nay, bà con ở khu vực 3 và 4 (P.Hưng Phú, Q.Cái Răng) làm lễ cầu an ờ miếu Bà Chúa Xứ xóm Chài với chiếc thuyền hoa dài khoảng 4,5 m rộng 1,2 m. Ở đây, bà con đem gạo, muối đến miễu Bà cúng, rồi để lên thuyền hoa đưa ra ngã ba sông cái Cồn Ấu thả, chứ không đốt lá và rải muối như ở Phong Điền vì điều kiện dân cư đông đúc. Theo ông Lê Quang Trinh (83 tuổi, Trưởng ban tổ chức), không chỉ 160 hộ dân trong khu vực đến cúng vái, mà nhiều người từ nơi khác cũng đem lễ vật đến cúng cầu an. Đặc biệt, năm nay có sự hỗ trợ của chính quyền và Bảo tàng TP.Cần Thơ nên lễ cầu an tăng thêm phần long trọng. Lúc 10 giờ ngày 23.2 (14 âm lịch) tại đây còn có múa mâm vàng. Khoảng 14 giờ 20 thì thuyền hoa được xuống ghe lớn, chờ lúc nước lớn theo hành trình đi về cầu Quang Trung, đảo ngược cầu Cần Thơ rồi ra giữa sông Hậu thả bè.
Đoàn ghe thật rầm rộ. Đi đầu là 2 ghe chở 4 đầu lân múa liên hồi. Kế tiếp là ghe chở thuyền hoa tống ôn, tống gió. Thuyền được làm công phu, gồm những khúc chuối to kết lại; thân thuyền làm bằng tre, xung quanh dán giấy, ghi ngày tháng năm cúng; trong thuyền là lễ vật bà con cúng như gạo, muối, áo quần, cá lóc nấu cháo, bộ tam sên... Tiếp đến là ghe chở các bô lão, chức sắc tổ chức lễ hội, ban nhạc lễ cùng hơn 60 ghe theo hộ tống. Xuồng ghe ken dày cả khúc sông. Tiếng trống, tiếng phèng la, chập chả… cùng tiếng reo hò cổ vũ vang rền cả một đoạn sông, tạo nên không khí lễ hội hoành tráng.
Cụ Văn Đắc Lành (84 tuổi, ngụ thị trấn Phong Điền - người từng làm Trưởng ban tổ chức lễ cầu an từ hơn 40 năm trước) cho biết lúc ông bà khai hoang lập ấp, do bị sơn lam chướng khí, dịch bệnh hoành hành nên tổ chức lễ cầu an để cầu mong cho mọi người được bình an vô sự, yên ổn làm ăn, rồi dần dà trở thành tập tục ở nhiều nơi. “Trước đây, đến ngày lễ, bà con trong ấp tình nguyện đóng góp lễ vật tuỳ lòng hảo tâm, bè nghinh (thuyền rồng) được làm từ 2 chiếc xuồng ken lại có bộ ngựa lót. Trong bè thuỷ lục có 3 ông: Quan Công ngồi chính giữa, hai bên là Châu Xương và Quan Bình. Trên bè có gạo muối, gà vịt; đồng thời có bài vị ghi tên Hành Binh, Hành Khiển. Lúc đi có “Chúa Ôn” huơ cờ đứng trước mũi thuyền. Hai bên bờ bà con đốt lửa, rải muối vào nổ lốp bốp. Tất cả thuyền hoa các ấp để tại xã Nhơn Ái, đến ngày 13 tháng giêng âm lịch đưa ra xóm Chài, cùng tháp tùng ra ngã ba sông Cồn Ấu thả thuyền hoa. Bây giờ, lễ hội cầu an giản dị hơn nhiều”, cụ Lành nói.
Thanh Hương
Bình luận (0)