Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến việc tìm đất xây dựng trường - một trong những yếu tố đầu tiên thể hiện sự ổn định của các trường ngoài công lập - là một quá trình rất nhiều khó khăn.
|
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, chỉ ra những bất cập trong việc thực thi chính sách trong chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ông Nhĩ cho biết: “Nghị định 69 của Chính phủ ban hành từ năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã đưa ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa như: được xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng; được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; được vay vốn tín dụng đầu tư; được miễn thuế thu nhập 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo… Tuy nhiên những chính sách ưu đãi này vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay, đa số các trường ngoài công lập từ mầm non đến ĐH không nhận được sự hỗ trợ đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như trong nghị định đề ra”.
Như “nhảy vào lửa”
|
Nhiều nhà đầu tư thành công trong việc xin đất xây trường khi kể lại chặng đường đã qua đã ví như hành vi “nhảy vào lửa”.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), kể năm 1993 sau khi cùng 3 người bạn khác mở trường ông tìm đất xây trường bằng cách tìm nhà dân, ký hợp đồng thuê đất 20 năm rồi xây trường. Vào năm 1999, ông tiếp tục xin đất nhưng 3 năm sau - tháng 10.2002 - trường mới được ký quyết định cấp đất ở thôn Dịch Vọng Hậu (nay là phố Trần Quốc Hoàn), Cầu Giấy. Mất một năm giải phóng mặt bằng rồi mới khởi công được.
Có trường hợp mọi thủ tục để có đất, xây trường mất hơn 10 năm vẫn chưa được. Bắt tay vào triển khai dự án từ đầu những năm 2000, đến năm 2005 Công ty Toàn Cầu, đơn vị chủ quản của hệ thống trường Global (Hà Nội), mới được cấp quyền sử dụng đất trong khu đô thị mới Yên Hòa. Nhưng đến nay công ty vẫn phải trì hoãn tuyển sinh hết năm này sang năm khác vì chưa có hạ tầng xây trường. Đã vậy, do kéo dài một thập kỷ nên dự án xây trường của công ty nằm vắt giữa những cơ chế chính sách nhiều lần thay đổi gây lúng túng cho nhà đầu tư.
Trường Marie Curie (Hà Nội) được thành lập từ cách đây 20 năm và là một trong số ít những trường dân lập có sức hút không kém các trường công lập hàng đầu, thậm chí riêng cấp THCS của trường đã là nơi hấp dẫn học sinh, phụ huynh bậc nhất Hà Nội. Nhưng cũng giống như rất nhiều trường ngoài công lập khác, hầu hết các cơ sở hiện có của trường là đi thuê. Dự kiến năm 2014 trường sẽ xây xong cơ sở ở khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì.
Để đặt ra được cái mốc 2014 có trường, ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng, cùng cộng sự đã trải qua nhiều gian nan. Ông Khang tâm sự: “Chứng kiến sự “lên bờ xuống ruộng” của các anh bên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Siêu… nên tôi sợ. Thầy Vĩnh (Trường Nguyễn Siêu) có lúc giơ tay đầu hàng, hốt hoảng bảo thôi rồi tôi chết đến nơi rồi. Có những người bị lừa, như anh Nguyễn Tùng Lâm (Trường Đinh Tiên Hoàng), anh ấy gặp một người tự xưng là làm tư vấn dự án, ôm tiền rồi chạy…”.
Tháng 2.2010, ông Khang quyết tâm làm đề án xin đất xây trường. Nửa năm sau khi trình lên thành phố hồ sơ dự án đầu tư, trường được thành phố chấp thuận và ra điều kiện trong vòng một năm phải xong các thủ tục để xây trường. Nhưng một năm sau thủ tục xin xây trường mới “chạy” được 1/3, trường phải xin thành phố gia hạn thêm một năm nữa. Sau gần 2 năm rưỡi kể từ khi làm đề án xin đất xây trường, cuối tháng 5 năm ngoái trường mới có thể tổ chức lễ động thổ. Theo ông Khang, trường ông được “nhanh” như thế là nhờ có học trò cũ ở khắp nơi, động vào chỗ nào cũng nhờ được nên không phải chờ đủ ngày mới có kết quả trả lời như trong quy định.
Tình cảnh bấp bênh
Đầu năm 2013 có 8 trong số 102 trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội dừng hoạt động, Sở GD-ĐT đang trình thành phố để giải thể những trường này. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện chỉ có 20% số trường ngoài công lập có cơ ngơi ổn định và xây dựng kiên cố. Số còn lại phải đi thuê, mượn địa điểm.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, lãnh đạo Hiệp hội Các trường phổ thông ngoài công lập Hà Nội, sự thiếu ổn định của hệ thống này vẫn là một thách thức lớn. Nhiều trường dẫu đã khẳng định được sự đóng góp của mình với giáo dục thủ đô trong những năm qua cũng đang trong tình cảnh hết sức bấp bênh do thiếu nhà đầu tư nên không xây được trường. Đứng trước đòi hỏi phải có cơ ngơi riêng mới tồn tại và phát triển, nhiều nhà giáo lâm vào tình huống bế tắc. “Việc có xây được trường hay không không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm mà còn do sự may rủi của các cá nhân làm trường”, ông Nguyễn Xuân Khang nhận xét.
Trong khi đó theo ông Phùng Văn Nho, Phó phòng Tài nguyên, UBND TP.Hà Nội, ngoài các nguyên nhân khách quan, một rào cản khiến việc đầu tư xây trường ngoài công lập không hiệu quả còn do sự thiếu chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của nhà đầu tư. Không chỉ thiếu chuẩn bị vốn, nhiều nhà đầu tư còn thiếu hiểu biết các quy định pháp luật về đầu tư cũng như quy trình, thủ tục làm một dự án xây dựng. Nhiều khi chủ đầu tư làm việc với các quận, huyện trước, tưởng như xong xuôi hết rồi nhưng khi xem xét quy hoạch lại không phù hợp. Vì thế dự án của họ “chết” ở ngay khâu quy hoạch, không đến tầm xử lý của UBND TP nữa.
Hồ Ngọc - Vân Hà - Vũ Thơ
>> Công bằng cho trường ngoài công lập
>> Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 2: Nhập nhằng tư trong công
Bình luận (0)