Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 4: Vì dân, vì nước, gác chuyện phục thù

28/02/2013 00:20 GMT+7

Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt vong, có 3 người trong Tây Sơn thất hổ tướng còn sống sót là Võ Văn Dũng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.

Nhìn người mà chọn ngựa

Lý Văn Bưu còn có tên khác là Mưu, xuất thân trong một gia đình giàu có, chuyên nghề buôn ngựa ở làng Đại Khoang, huyện Phù Ly (nay thuộc H.Phù Cát, Bình Định). Ông được rèn luyện võ nghệ từ thuở ấu thơ và hấp thụ những tinh túy về tài cưỡi ngựa, huấn luyện ngựa của gia đình. Phần đông ngựa của ông nuôi đều chọn giống rất kỹ lưỡng và nuôi dưỡng rất công phu nên được hào kiệt các nơi tìm đến để mua.

 Quân Tây Sơn đại phá quân Thanh tại Thăng Long - Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung
Quân Tây Sơn đại phá quân Thanh tại Thăng Long
- Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung

Theo cuốn Võ nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao, nhìn tướng mạo, tầm vóc, tính nết của khách hàng, Lý Văn Bưu đã chọn cho khách được con tuấn mã vừa ý. Người nho nhã phong lưu thì thích ngựa có nước kiệu êm. Kẻ tính tình năng động thì ưa ngựa có nước phi thần tốc... Có người thích ngựa thiên lý để ngày đi trăm dặm mà ngựa không đổ mồ hôi. Lại có những người mua được ngựa hay, xong chưa thuần phục, hay dở chứng hung hăng... đều được đem đến nhờ ông thuần hóa.

Trong số những khách mua ngựa của ông có cả đại tướng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Chính Bùi Thị Xuân là người tiến cử Lý Văn Bưu cho Nguyễn Nhạc. Về với nhà Tây Sơn, Lý Văn Bưu được giao trọng trách tổ chức chăn nuôi, sản xuất hậu cần và huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông đã biến thành trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa trận cho nhà Tây Sơn. Nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Lý Văn Bưu được phong làm đô đốc. Ông theo Nguyễn Huệ trong các trận đánh với quân Xiêm và quân Mãn Thanh.

Khi quân Thanh kéo vào Thăng Long, ông tháp tùng vua Quang Trung ra bắc tảo Thanh, phục vụ dưới đoàn quân do Đại đô đốc Bảo chỉ huy. Lý Văn Bưu đã cùng Đặng Văn Long đem kỵ binh xuyên qua Chương Đức (Hà Đông) để tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chiếm cứ hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục. Hai đồn này là tiền đồn của Khương Thượng, bị chiếm rất nhanh và yên lặng. Nhờ vậy mà khi đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh không hay biết.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Lý Văn Bưu xin trở về cố hương, sống với nghề nuôi ngựa.

Nghĩ đến dân, đến nước trước

Trong cuốn Địa chí Bình Định, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được xác định là người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn (nay là xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định). Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Lộc được phong làm hữu đô đốc, cùng với Tả đô đốc Nguyễn Văn Tuyết theo Nguyễn Nhạc tiến đánh huyện lỵ Tuy Viễn, rồi tấn công thành Quy Nhơn. Cuối năm 1773, Nguyễn Văn Lộc cùng Lê Văn Hưng theo Chinh Nam tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.

Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Văn Lộc được thăng chức Thủy sư đô đốc theo Tiết chế Nguyễn Huệ đem đại binh ra đánh Thuận Hóa do Phạm Ngô Cầu trấn thủ. Khi xung trận, Nguyễn Văn Lộc một mình một ngựa xông vào phá cửa thành, vượt qua binh lính giữ thành, xông thẳng vào dinh trấn thủ, bắt sống được Phạm Ngô Cầu.

Khi Quang Trung lên ngôi hoàng đế, kéo quân ra bắc diệt quân Thanh, Nguyễn Văn Lộc được phong Đại đô đốc chỉ huy cánh quân phía tả, tiến lên Lạng Sơn, Phượng Nhãn, giữ vùng Yên Thế, chặn đường rút lui của địch. Tôn Sĩ Nghị cùng binh tướng trên đường rút chạy về Nam Quan, bị quân của Đại đô đốc Lộc đánh giết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân.

Tháng giêng năm Canh Thân (1800), Nguyễn Văn Lộc kéo binh kết hợp với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vào cứu Quy Nhơn, bị Tống Viết Phước cầm chân tại Bình Đê. Vốn biết rõ địa thế của Quảng Nghĩa (Ngãi), Nguyễn Văn Lộc hiến kế chia quân làm ba đạo theo ba ngõ đèo Bến Đá, núi Sa Lung và núi Cung Quăng vượt qua khỏi Bến Đá vào thẳng Quy Nhơn. Trần Quang Diệu nghe theo nên đã dẫn được quân vào vây đánh và chiếm lại thành Quy Nhơn.

Theo cuốn Danh tướng Việt Nam tập 3, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc là người đã tổ chức đánh bại viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh ở ngay trên đất làng Kỳ Sơn quê hương ông, khiến cho Nguyễn Ánh và tướng tá dưới quyền đều rất kiêng nể. Sau trận Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Lộc có thêm trên hai chục lần đụng độ với quân đội của Nguyễn Ánh do các tướng cao cấp nhất là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành chỉ huy và đều giành phần thắng.

Khi nghe tin vua Cảnh Thịnh bị bắt, Nguyễn Văn Lộc tự động giải tán quân sĩ, một mình lên núi Kỳ Sơn ẩn náu, nuôi chí khôi phục nhà Tây Sơn. Cuốn Võ nhân Bình Định  kể: Trong một lần gặp lại tướng Nguyễn Quang Huy của nhà Tây Sơn (cũng đang ở ẩn), Nguyễn Văn Lộc hỏi: “Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao không hợp sức lại cùng lo việc phục hưng. Như thế chẳng hóa ra là không tận trung với cựu chúa hay sao?”.

Nguyễn Quang Huy trả lời: “Những anh hùng nghĩa sĩ ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa cho đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn phận sự cho đến giờ chót, như thế là tận trung. Nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta tận trung với ai? Bầy tôi của vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền bắc, hết lớp này đến lớp khác đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước. Phải nghĩ đến dân đến nước trước. Không có thể làm lợi cho dân, cho nước thì nằm yên chớ đừng nên gây rối thêm. Trung với một người, một nhà, mà làm khổ cho dân cho nước thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải là trung”.

Nguyễn Văn Lộc cho là phải, nên không còn nuôi mộng phục hưng nhà Tây Sơn nữa.

Hoàng Trọng

>> Tôn vinh danh thần Tây Sơn bị chính sử bỏ sót
>> Dâng mai cho nghĩa sĩ Tây Sơn
>> Không gian Tử Cấm thành nhà Tây Sơn
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 2: Mối tình của quan tư đồ
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn: Ẩn trong chùa chiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.