Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ

28/02/2013 03:25 GMT+7

Thời gian qua, theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đoàn viên thanh niên các địa phương, ngành, cơ quan nghiên cứu thanh niên đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 . Báo Thanh Niên ghi nhận, tổng hợp và sẽ lần lượt giới thiệu:

Tính chất quyền công dân, quyền con người

Cán bộ (CB), đoàn viên thanh niên (TN) tỉnh Bình Thuận và Viện Nghiên cứu TN kiến nghị liên quan đến tổ chức và hoạt động đoàn thể, cụ thể tại Điều 10 quy định về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn. Theo đó, việc quy định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong dự thảo sửa đổi là không cần thiết. Bởi vì, Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có địa vị pháp lý bình đẳng với các tổ chức chính trị - xã hội khác như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tập thể... Nếu quy định như dự thảo sửa đổi thì sẽ dẫn tới có sự phân biệt giữa các tổ chức chính trị xã hội trong Mặt trận Tổ quốc VN. CB, đoàn viên tỉnh Hà Giang đề nghị cụ thể nên có sự thay đổi ở khoản 3 "Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động". Nên sửa thành "Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội khác hoạt động".

Liên quan đến khoản 2, Điều 15, quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết...”. Theo Viện Nghiên cứu TN, quy định như trên là chưa phù hợp và có sự mâu thuẫn. Bởi vì, quyền công dân là quyền do luật định thì có thể bị giới hạn trong một số trường hợp cần thiết, còn quyền con người thì mặc nhiên được thừa nhận mà không thể bị giới hạn. Cụ thể hơn, CB, đoàn viên tỉnh Bình Thuận đề nghị tại khoản 2, bổ sung thêm cụm từ “thuần phong mỹ tục”, sửa thành: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, sức khỏe cộng đồng.

 

Chúng tôi ủng hộ và nhất trí cao việc không quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hợp lý. Theo quy định tại Điều 54 dự thảo sửa đổi đã quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc các thành phần kinh tế hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng với thực tiễn về phát triển kinh tế đất nước.

(Viện Nghiên cứu TN)

Mặt khác, tại Điều 21, Chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì theo Viện Nghiên cứu TN, quyền sống đã được quy định trong Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Quyền sống đã được ghi nhận và nâng lên thành hiến định để góp phần đảm bảo thực thi cũng như nâng cao uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Để hoàn thiện Điều 21, có thể bổ sung “Mọi người có quyền được sống chính đáng với quyền con người” để Điều 21 hoàn thiện.

Tại Điều 29, quy định về việc “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội”… Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu TN việc quy định quyền này còn mang tính chung chung, chưa hiểu rõ được công dân có quyền tham gia vào công việc quản lý cùng với các cơ quan nhà nước hay việc công dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến về các hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Điều 34: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, nhiều ý kiến đoàn viên TN đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở đề cao vai trò và chính sách người cao tuổi, đoàn viên TN Bình Thuận đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 39 cụm từ “người cao tuổi” vào thành “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người cao tuổi, người mẹ và trẻ em”.

Tạo điều kiện cho thanh niên phát triển

Điều 42 dự thảo sửa đổi quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, theo Viện Nghiên cứu TN và đoàn viên TN tỉnh Đồng Tháp, cần phải quy định rõ hơn về trách nhiệm học tập của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Bởi vì, người trẻ là những đối tượng cần được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích trong học tập để trở thành những công dân ưu tú, đóng góp sức lực và trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng cần phải khẳng định trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy tinh thần hiếu học, tự lập, tự chủ.

Tại Điều 66 Hiến pháp 1992 từng quy định về vị trí, vai trò của TN trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lại lược bỏ điều này. Viện Nghiên cứu TN và CB , đoàn viên ở một số tỉnh thành kiến nghị dự thảo sửa đổi nên giữ nguyên điều này. Bởi lẽ, đối tượng TN là một lực lượng xã hội to lớn, có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Việc quy định vị trí, vai trò của đối tượng này cũng như những chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho TN phát triển là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đối với một quốc gia. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật nhằm đảm bảo và phát huy hơn nữa sức lực, trí tuệ của thế hệ trẻ.

Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ
Thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Song Quang (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.