|
Bàn về các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (gọi tắt là dự thảo) về các quyền của công dân, như tự do cư trú, tự do tổ chức và hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, GS Nguyễn Lân Dũng phản ánh: đông đảo nhân dân cho rằng viết thêm dòng “theo quy định của pháp luật” thì thật là mơ hồ. Ông đề nghị sửa dòng “theo quy định của pháp luật” bằng nội dung “nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân”.
PGS-TS Trần Văn Tá, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng cho rằng, trong nội dung Hiến pháp có một số quy định hạn chế quyền của công dân là cần thiết nhưng cần xác định rõ chỉ hạn chế trong trường hợp công dân đó vi phạm pháp luật, hoặc đang trong quá trình điều tra về hành vi vi phạm pháp luật.
“Gác cửa” các văn bản pháp luật vi hiến
|
Một trong những điểm mới của dự thảo lần này là quy định tại Điều 120 về HĐHP. PGS-TS Trần Văn Tá nhìn nhận: cách gọi cơ quan bảo hiến là HĐHP cũng như quy định về nhiệm vụ của cơ quan này còn rất nhiều mặt hạn chế, không phù hợp với thông lệ quốc tế và sự mong đợi của nhân dân, vì HĐHP mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật và kiến nghị yêu cầu các cơ quan xử lý khi có các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến.
Ông Tá đề nghị nên nghiên cứu lựa chọn mô hình khác cho cơ quan bảo hiến và mô hình tối ưu nhiều quốc gia lựa chọn, áp dụng hiện nay chính là TAHP: “Đó là cơ quan hoàn toàn độc lập, chỉ tuân thủ Hiến pháp, có chức năng quyết đáp như đình chỉ, bãi bỏ, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án, Viện Kiểm sát mà những văn bản ấy là vi hiến. TAHP cũng có quyền phán xét về những tranh chấp, kiện tụng trong bầu cử và kết quả bầu cử, quyền luận tội các quan chức cấp cao của nhà nước”. Theo Chủ tịch Hội Bảo trợ pháp lý cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý thì mô hình TAHP sẽ khắc phục được nhiều hạn chế hiện nay trong việc “gác cửa” các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất vi hiến.
Nhất thể hóa chức danh lãnh đạo cấp cao
PGS-TS Trần Văn Tá kiến nghị Hiến pháp lần này cần làm rõ hơn và đề cao thực quyền của Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu nhà nước. Theo đó, ngoài việc cần làm rõ quyền giám sát của Chủ tịch nước đối với Chính phủ, Thủ tướng hay Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ để chủ trì họp bàn những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì “cần có cơ chế hợp nhất 2 chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước để tăng thêm quyền lực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước”.
Ngoài các ý kiến trên, đại diện các tổ chức thành viên MTTQ cũng góp ý nhiều nội dung trong dự thảo, trong đó có cơ chế giám sát của nhân dân đối với Đảng theo quy định tại khoản 2 Điều 4, hay bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà nước đối với thế hệ trẻ.
Bảo Cầm
Bình luận (0)