Mong muốn có điều về thanh niên trong Hiến pháp sửa đổi

01/03/2013 17:55 GMT+7

(TNO) Đây là nguyện vọng và kiến nghị tâm huyết của tất cả các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội LHTN VN tổ chức tại Hà Nội sáng nay 1.3.

(TNO) Đây là nguyện vọng và kiến nghị tâm huyết của tất cả các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội LHTN VN tổ chức tại Hà Nội sáng nay 1.3. Anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN chủ trì hội nghị.

>> Hiến pháp sửa đổi không thể thiếu nội dung về thanh niên
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần quan tâm đến giáo dục và y tế

Mong muốn có Điều khoản về thanh niên trong Hiến pháp sửa đổi
Các đại biểu đều có chung nguyện vọng bổ sung điều khoản về thanh niên trong Hiến pháp sửa đổi - Ảnh: Ngọc Thắng

PGS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện thanh thiếu niên VN, Phó chủ tịch Hội LHTN VN góp ý cần xem xét việc loại bỏ nhấn mạnh đến thanh niên (TN) trong điều 66. Theo anh Duy, Điều 66, Hiến pháp 1992 quy định: “TN được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống của dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc sáng tạo và bảo vệ tổ quốc” là rất cần thiết trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của TN, là tiền đề cho việc xây dựng các luật định về TN.

Khẳng định, việc sửa đổi Hiến pháp là việc vô cùng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc hội nhập và phát triển chung với tình hình kinh tế của đất nước, chị Thào Thị Thùy Linh, đại biểu dân tộc Mông đến từ Yên Bái bày tỏ: “Điều 66, Hiến pháp 1992 là điều khoản nhấn mạnh vai trò của TN trong xã hội, bởi TN là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. TN có mạnh, dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc, có sức mạnh của TN; sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng TN và phụ thuộc và việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo các thế hệ trẻ”.

TN đồng bào dân tộc thiếu thốn cả về đời sống vật chất và tinh thần, song cơ chế chính sách để Đoàn, Hội chăm lo cho lực lượng này hầu như không có. “Từ thực tế như vậy, Hiến pháp cần có một điều khoản cụ thể đối với TN nói chung và TN dân tộc nói riêng”, chị Linh nói.

Bỏ là bước thụt lùi

Giữ lại Điều 66 không chỉ là nguyên vọng thiết tha của TN mà còn của nhiều chuyên gia. Lấy dẫn chứng trong những lần sửa đổi trước đều có điều khoản liên quan đến TN, TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa, giáo dục thanh thiếu nhi T.Ư Đoàn cho rằng: “Bỏ Điều 66 là bước thụt lùi, không thể xem nhẹ thế hệ trẻ của VN trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đồng tình với việc đưa điều TN vào điều 63 sửa đổi, anh Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ VN đề nghị nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của TN là hiền tài của đất nước.

Làm cách nào để giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp? Theo anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, trên các mạng xã hội, vấn đề góp ý sửa đổi Hiến pháp chưa được các bạn trẻ quan tâm. Vì vậy, việc hệ thống Đoàn, Hội phát động góp ý từ cơ sở đến T.Ư là vô cùng cần thiết. Qua tổ chức góp ý, đoàn viên thanh niên ở cơ sở làm rất nghiêm túc và nêu lên vấn đề rất thú vị. Không chỉ đóng góp các vấn đề “nóng”, các bạn trẻ còn đóng góp những điều tâm huyết và có giá trị về lập hiến, bảo hiến, xây dựng tòa hiến pháp, quyền con người, hình thành bồi dưỡng phẩm chất năng lực cho thế hệ trẻ, ưu tiên trọng dụng người tài…

Để những góp ý tâm huyết của TN không bị lãng quên, Đại đức Thích Thanh Cường kiến nghị, Báo Thanh Niên tiếp tục giới thiệu về Hiến pháp để các bạn trẻ hiểu, đóng góp ý kiến. Nên đưa ý kiến này tới TN từ cơ sở, để thành thông tin chính thống. Sau đó có văn bản kiến nghị lên cơ quan lập pháp, đem lại tiếng nói của TN.

“Nếu không đeo đuổi vấn đề đến cùng sẽ là thiếu sót với TN. Cùng với Đoàn Thanh Niên, Hội LHTN hết sức cố gắng để nội dung liên quan đến thế hệ trẻ được thể hiện trong Hiến pháp”, anh Phan Văn Mãi khẳng định.

Thu Hằng - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.