Thông tin từ cơ quan chức năng và người dân địa phương cho biết, sự việc bắt đầu khi anh Nguyễn Văn Lâm (ở thôn Na) cùng vợ thả lưới bắt cá dưới sông thì lưới bị dính vật cứng, không thể kéo lên được. Anh Lâm lặn xuống gỡ đã thấy nhiều khúc gỗ nên trồi lên lấy dao rồi lặn xuống đẽo một miếng và phát hiện đó là gỗ huê. Lên thuyền, anh Lâm nhảy reo lên sung sướng nên nhiều người xung quanh biết được. Vợ chồng anh Lâm đã lặn được 4 súc, anh Nguyễn Văn Hạt (ở thôn Na) chạy đò đi qua lúc đó dừng lại lặn được 3 súc, một nhóm khoảng 30 người lặn được 3 súc. Số súc gỗ này dài khoảng 2 m, rộng khoảng 35-40 cm, dày khoảng 20 cm, ước tính trị giá mỗi tấm khoảng 2 tỉ đồng. Ngoài ra, một số người dân thôn Phong Nha cũng lặn được 2 khúc loại nhỏ, ngắn.
|
Khi hầu hết số gỗ trên được lặn vớt đưa lên cất giấu xong xuôi thì Ban Quản lý vườn và Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở gần đó mới biết và triển khai lực lượng. Sau đó, lãnh đạo huyện Bố Trạch, lực lượng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm Bố Trạch, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh cũng đã có mặt tại hiện trường thu thập thông tin, tổ chức vận động người dân lên bờ. Một cán bộ của Hạt Kiểm lâm Bố Trạch cho hay, thời điểm đó có rất đông người dân cả trên bờ lẫn dưới sông; khi lực lượng chức năng đang tuyên truyền thì một số người vẫn dùng ống hơi dài lặn dưới sông tìm thấy được 2 khúc nhỏ và lập tức kẹp vào thuyền chạy tẩu tán lên hướng thôn Phong Nha. Sự việc diễn ra rất nhanh nên cơ quan chức năng không kịp trở tay.
Vụ việc càng nóng vì trước đó, vào tháng 4.2012, 3 cây huê cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; sau đó gây ra tình trạng tranh giành, trấn cướp gỗ. Cho đến nay vẫn chưa xác định được khối lượng gỗ thật của 3 cây huê trên; bao nhiêu gỗ đã tẩu tán và số còn lại cất giấu ở đâu. Nhiều người loan tin gỗ tìm thấy trên sông Son là gỗ từ 3 cây huê đó. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, đó là gỗ của một người tên Tịnh, bị lũ cuốn thất lạc từ 10 năm trước đó.
Đến tối cùng ngày, nhiều người dân địa phương vẫn tập trung dưới sông và hai bên bờ. Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa phát hiện, thu giữ súc gỗ huê nào và đang huy động chốt chặn, tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường. Nhiều nhận định việc thu giữ gỗ là rất khó vì số người tìm được gỗ sẽ chờ thời cơ thích hợp để vận chuyển gỗ hoặc gùi đi lên rừng ở phía mặt sau thôn Na.
Theo một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Quảng Bình, gỗ huê được xếp vào loại quý hiếm, khi phát hiện, nếu người dân trình báo cơ quan chức năng thì sẽ được thưởng; ngược lại cố tình cất giấu, tẩu tán là vi phạm pháp luật.
Trương Quang Nam
>> Lại xuất hiện tin tìm thấy gỗ huê tiền tỉ
>> Điều tra vụ mất trộm gỗ huê trong khu du lịch
>> Bắt 2 vụ vận chuyển gỗ huê số lượng lớn
>> Vụ gỗ huê tại Quảng Bình: Mở đợt truy quét quy mô lớn
Bình luận (0)