Góp sức mọn cho quê hương
Về An Giang tìm Võ Hoàng Nam không khó, bởi anh là người đầu tiên ở miền Tây dùng đá núi làm tranh. Nói về mình, Võ Hoài Nam chỉ buông vài dòng ngắn gọn: “Tôi làm thầy giáo ở H.Châu Phú, họa sĩ là nghề tay ngang, cũng bởi mê vùng đất núi nên muốn góp chút sức mọn cho quê hương”.
|
Võ Hoàng Nam kể anh nung nấu dùng đá núi trên Thất Sơn sáng tác tranh từ rất lâu, nhưng đến năm 2008 mới có dịp thực hiện. Theo anh, màu sắc của đá núi Thất Sơn so với đá núi miền Trung đơn giản hơn, tối hơn nên chỉ thích hợp cho mảng tranh đen trắng. Nam đã đi khắp các ngọn núi trong dãy Thất Sơn để lựa chọn những phiến đá, hòn đá ưng ý, rồi đem về, đập vỡ ra, quết thành đá li ti… Sau khoảng thời gian dài thử nghiệm, Nam mới chọn được loại keo thích hợp, dùng để kết dính những mảnh đá lại thành tranh. Đến nay, anh đã cho ra đời hàng loạt tranh đá như: Đua bò Bảy Núi, Dáng chiều Bảy Núi, Bến quê, Con đò dưới trăng, Nữ sinh đạp xe… mang đậm nét sinh động hay khắc khoải, u tịch của vùng quê. Nam cho biết trong các tác phẩm đã thực hiện, anh khá ưng ý với bức tranh khắc họa chân dung Bùi Giáng, vì thể hiện được cái thần của thi sĩ họ Bùi. Trong tranh, ánh mắt thi sĩ Bùi Giáng rất sáng, khóe miệng như nở nụ cười…
Nam tâm sự: “Sau khi phác họa trong đầu hình ảnh bức tranh cần làm, tôi phải lọc ra những mảnh đá nhỏ, rồi rắc chúng lên, dùng keo dán lại. Khi làm cần tập trung tinh thần cao độ, vì chỉ buông lơi hay phân tâm một chút là làm hỏng hoặc làm kém đi cái “thần” của bức tranh”. Như bức Đua bò Bảy Núi, phải rắc đá sao cho ra hình ảnh đôi bò đang phi nước đại. Còn người nài bò vừa khắc họa được tư thế ung dung, vừa thể hiện ý chí quyết thắng. Phía sau, sình bùn văng lên, đồng thời bóng của đôi bò và nài in mờ xuống vũng nước phía trước… Một bức tranh làm xong có khi mất hơn nửa tháng, khi buông ra tay chân đã rã rời, tê dại. Có lẽ vì độ khó cao và đòi hỏi tỉ mỉ từng chút, nên rất ít tác giả miền Tây khai thác tranh làm bằng chất liệu đá núi.
Niềm đam mê không dứt
Do đi đứng hơi khó khăn nên anh bảo chúng tôi cứ tự nhiên ngắm phòng tranh. Gọi là phòng nhưng chỉ đôi bước đã giáp vòng. Tuy nhiên, Nam chẳng có gì ngại vì với anh, niềm đam mê là trên hết. Những bức tranh đá núi của Nam tập trung thể hiện về cảnh vật và con người: buổi chiều tà vùng núi, đôi chim trên cành đang hót véo von, hai con đò nằm dưới ánh trăng vằng vặc, thiếu nữ lõa thể đầy sức sống… Nam nói đá núi Thất Sơn chỉ cho ra tranh với 2 gam màu đen trắng, tưởng là dở nhưng lại hóa hay, vì trên nền đen trắng, bức tranh mới toát lên nét dung dị, chân thực…
|
Một điều rất đáng mừng là tranh của Nam đã tìm được người thưởng thức. Tranh làm từ đá granite có độ bền cao, cộng với công sức của tác giả nên có giá khá đắt so với đời sống vùng huyện lỵ, tỉnh lẻ. Vậy mà Nam vẫn bán được và đã mở 2 triển lãm tranh tại quê nhà trong năm 2010. Những năm gần đây, giới trẻ hay tìm đến anh, đưa ảnh, yêu cầu anh làm tranh đá như trong ảnh để tặng sinh nhật, nhằm gây bất ngờ cho người nhận. Ngoài ra, những người có tuổi cũng tìm đến Nam, yêu cầu anh làm tranh truyền thần, tranh bán thân để treo làm kỷ niệm và cho con cháu thờ tự sau này.
Nam đặt những bức tranh mà mình sáng tác bằng một cái tên chung: tranh đá Bảy Núi. Theo anh, đó là cái tên gần gũi và dễ nhớ, mộc mạc như tính cách người dân vùng Bảy Núi. Thời gian gần đây, anh đang gặp vấn đề về sức khỏe. Nam cho biết khi khá lên, anh sẽ tiếp tục thực hiện đam mê còn đang dang dở, sáng tạo những bức tranh đá núi về vùng quê và con người của mảnh đất An Giang.
Thanh Dũng
Bình luận (0)