Tuy nhiên, con số này thực ra chưa thể nói lên điều gì bởi lẽ cần làm rõ chất lượng của nợ xấu như thế nào. Cụ thể là nợ xấu từng nhóm là bao nhiêu, nợ mất vốn là bao nhiêu, chưa mất vốn nhưng chất lượng tài sản thế chấp ra sao? Mức độ nguy hiểm như thế nào?... “Đáng lo nhất là nợ tiềm ẩn xấu”, TS Dương cho biết.
Theo ông, nợ xấu tiềm ẩn ở chỗ hiện có một số ngân hàng (NH) có “sức khỏe” rất yếu, từ đó có thể thấy dư nợ của họ không thể “khỏe” được. Mặt khác, NH lệ thuộc quá nhiều vào tài sản thế chấp. Mà hiện nay thì tài sản thế chấp không bán được. Việc các NH lấy huy động ngắn để cho vay dài cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ về nợ xấu. Không chỉ vậy, rủi ro còn tiềm ẩn ngay trong chính lực lượng nhân sự NH vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kém.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chỉ ra yếu tố đáng lo là với các tài sản thế chấp là bất động sản, một số NH cho biết hiện giá thấp còn khoảng 50% so với giá NH định khi nhận thế chấp. Chưa kể nếu tiến hành phát mãi thì thủ tục nhanh nhất cũng mất 3 năm. Tuy nhiên, TS Lịch cho biết ông kỳ vọng vào các giải pháp giải quyết nợ xấu của Chính phủ như khoanh nợ, xây dựng cơ chế mua bán nợ xấu… Cùng với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống NH, TS Lịch hy vọng vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết trong khoảng thời gian từ nay đến 2015.
Một vấn đề khác, theo TS Dương, là do thị trường tài chính không mạnh nên áp lực cung ứng vốn dồn hết lên vai NH. Mục tiêu năm 2013 tăng trưởng tín dụng là 12% nhưng do lo ngại nợ xấu, các NH phải nâng chuẩn cho vay lên cao, chọn lĩnh vực “ngon” để cho vay trong khi số DN đủ chuẩn để vay không nhiều. Từ đó lại hạn chế trở lại khả năng tiếp cận vốn của DN.
Chí Nhân
Bình luận (0)