Người đánh thức linh hồn búp bê

03/03/2013 03:10 GMT+7

“Lần đầu tiên khi tôi nhìn thấy những con búp bê này, chúng trông rất buồn bã. Có lẽ đã quá lâu rồi chẳng có ai trò chuyện với chúng” - nghệ nhân Masaru Aoki nhớ lại.

Ông là người được Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam “đặt hàng” phục chế lại bộ sưu tập gồm hơn 200 con búp bê đặc trưng của Nhật Bản. Những con búp bê này được chế tác từ đất sét và gỗ cách đây đã 25 năm và đặc biệt là hoàn toàn nguyên bản.

 Nghệ nhân Masaru Aoki thực hiện công việc phục chế búp bê
Nghệ nhân Masaru Aoki thực hiện công việc phục chế búp bê - Ảnh: Minh Ngọc

Trong đời sống của người Nhật, búp bê mang nhiều ý nghĩa tâm linh, xuất hiện trong lễ hội bé trai, bé gái, có khi được coi như vật trừ tà hay bảo vệ sức khỏe, tâm hồn cho em bé vừa chào đời... Mỗi một búp bê cho thấy rõ chúng đến từ những vùng nào của nước Nhật, thậm chí là những con người ở các vị trí khác nhau trong xã hội thể hiện qua các kiểu tóc, chất liệu vải may quần áo... Thường có trên 20 nghệ nhân tham gia chế tác một búp bê: người làm khuôn, người may quần áo, người vẽ mặt mũi, người tạo kiểu tóc… Và phải mất tới vài năm họ mới có thể cho ra đời một búp bê hoàn chỉnh. Trong khi, công việc phục chế búp bê có thể thực hiện một mình và tốn ít thời gian hơn. Nhưng nghệ nhân phục chế lại cần có những kỹ năng tổng hợp. Với Masaru Aoki, ông đề cao phẩm chất làm nghề “biết trân trọng, nâng niu, vui buồn cùng búp bê”. “Búp bê cần được trò chuyện thường xuyên thì mới khỏe mạnh. Tôi luôn muốn mọi người nói chuyện thay vì chỉ ngắm nhìn búp bê” - Masaru Aoki nói.

Masaru Aoki khởi nghiệp bằng nghề bán búp bê. Cũng vì trân trọng những con búp bê, không đành lòng khi thấy chúng cũ kỹ, hư hỏng theo thời gian, ông đã theo học nghề phục chế. Với Masaru Aoki, nhìn thấy những con búp bê cũ giống như thể được gặp người yêu sau thời gian dài xa cách. Năm 1974, ông đã trở thành nghệ nhân đứng đầu trong công việc phục chế búp bê Ichimatsu. Từ năm 1989 đến nay, nhiều bộ sưu tập búp bê truyền thống Nhật Bản do ông phục chế đã được triển lãm khắp thế giới.

Nếu như nghệ nhân chế tác mang đến linh hồn, thì nghệ nhân phục chế giống như những người đánh thức linh hồn búp bê. Ở Nhật, muốn được gọi là nghệ nhân búp bê phải mất tới 20 năm. Không nhiều người muốn đi theo con đường dài và nhiều khó khăn này. Số lượng nghệ nhân chế tác và phục chế búp bê tại Nhật Bản hiện nay vì thế còn lại rất ít, trong khi người trẻ thì không mấy quan tâm. Điều đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng những nghệ nhân đã lớn tuổi như Masaru Aoki.  

Triển lãm Búp bê truyền thống Nhật Bản kéo dài từ ngày 7 - 31.3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản.

Hai trăm búp bê trong đó có búp bê Edo - Kimekomi được sử dụng trong lễ hội bé gái, búp bê võ sĩ trong lễ hội bé trai trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội.

Tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ giới thiệu hơn 40 búp bê mặc kimono, búp bê mô tả các nhân vật trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản (kịch Noh, Kabuki), búp bê Hakata, búp bê gỗ Kokeshi...

Minh Ngọc

>> Văn hóa Nhật Bản
>> Người đàn ông mê búp bê
>> Mexico kỳ thú - Bí ẩn đảo búp bê
>> Chăm búp bê như con
>> Xem búp bê như con
>> Búp bê lên trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.