Dân không phải là cái mỏ

03/03/2013 03:10 GMT+7

Hầu hết mọi người sau khi nghe đề xuất đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đều có chung một "quy trình" cảm xúc là phì cười, nổi giận rồi "lao" vào phân tích đúng- sai. Riêng tôi, ngoài những cảm xúc trên lại thấy lo lo.

Lo là biết đâu nay, mai, ngày kia, trong một phút bất kỳ lại chẳng có ông lãnh đạo hiệp hội A, chủ tịch hiệp hội B... nào đó lên tiếng đòi "đánh" thêm một loại thuế nữa để buộc tiền của dân phải chảy vào ngành của mình. Bởi nói về đóng băng, ế ẩm, tồn kho thì hiện tại, ngành nào chẳng "dính". Nên bất động sản đề xuất thì dại gì "mình" chẳng kiến nghị. Được thì tốt còn không được cũng chẳng... mất mát gì. Tất nhiên những đề xuất đi ngược với quyền lợi của người dân thì chắc chắn sẽ không thể thông qua. Nhưng thử hỏi, nếu ai cũng chăm chăm kiến nghị thu thuế nọ, đánh thuế kia mà không tập trung vào chuyên môn, vào việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành mình thì đến bao giờ chúng ta mới thoát ra khỏi sự trì trệ hiện nay?

Không biết khi đưa ra đề xuất trên, lãnh đạo HoREA có nhớ rằng, kinh tế khó khăn không phải là lý do chính khiến thị trường bất động sản đóng băng mấy năm nay. Nguyên nhân lớn nhất là việc đẩy giá nhà đất lên trời, lên quá cao so với thu nhập và tầm với của người dân từ chính các doanh nghiệp, từ việc điều hành, quản lý cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường này. Hậu quả là, nhu cầu nhà ở vẫn rất cao nhưng căn hộ, đất nền ế ẩm khắp nơi. Ai cũng có thể nhìn thấy, thị trường bất động sản đã "đẻ" ra rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà đất, một lớp người được gọi là "đại gia" cũng ra đời trong thời hoàng kim của ngành này. Thế mà nay khó khăn, họ lại quay sang "đòi" đánh thuế tiết kiệm để ép người dân phải chuyển tiền vào ngành mình.

Không chỉ vô lý, đề xuất trên còn thể hiện sự vô cảm và đi ngược với chủ trương của Chính phủ. Chính phủ đang tìm mọi giải pháp giảm gánh nặng cho người dân sau nhiều năm khó khăn liên tục. Mới nhất là việc Thủ tướng đã quyết định không tăng giá xăng dầu, thay vào đó là giảm thuế - xả quỹ bình ổn để không tạo thêm áp lực cho kinh tế. Hàng triệu cán bộ - công chức đang chờ đợi đến ngày 1.7, thời điểm áp dụng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân mới hợp lý hơn để "đỡ" thêm vài đồng tiền chợ, tiền rau. Hàng loạt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho người có thu nhập thấp; thu mua tạm trữ lúa gạo để bà con nông dân được hưởng mức lợi nhuận xứng đáng từ cây lúa, xem xét giảm phí, giảm thuế... tất cả để vực dậy sức mua từ người dân tiến tới tháo tồn kho, tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, ngưỡng 500 triệu đồng trở lên là những người thu nhập khá. Xin thưa, có rất nhiều người trong số đó vì không có đủ 1 - 2 tỉ đồng mua nhà ở nên vẫn gửi tiết kiệm để tiếp tục tích lũy. Rất nhiều người trong số đó đã cóp nhặt cả đời để có được khoản tiền này... Cũng đừng so sánh lãi suất hay cách đánh thuế của ta với Mỹ hay bất cứ nước nào. Bởi nếu có thể so sánh, người dân cũng có quyền đặt câu hỏi, tại sao thu nhập của ta thấp mà giá nhà của ta lại không thấp hơn họ. Tại sao họ được trừ mọi chi phí rồi mới tính thuế thu nhập cá nhân còn ta, thuế lấy trước, chi phí tự lo. Hơn thế, chúng ta cũng có đầy đủ các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp uy tín và thực lực, có thể tự huy động bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Những công ty có dự án khả thi và đầy đủ điều kiện có thể mang hồ sơ đến ngân hàng vay vốn. Đấy cũng là tiền của người dân đó thôi.

Trên tất cả những điều đó, chọn kênh đầu tư nào là quyền chính đáng của người dân. Dân không phải là cái mỏ để giải quyết hậu quả cho thị trường bất động sản hay bất cứ ngành nào.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.