Bất an với những nhà trẻ không phép

04/03/2013 09:23 GMT+7

Vụ cháu Đặng Chí Thiện (sinh ngày 27.1.2012, xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) tử vong sau khi ăn, làm nhiều người lo lắng về công tác quản lý nhóm trẻ (nhà trẻ) tư nhân vốn là vấn đề bức xúc lâu nay.

Chiều ngày 26.2, cháu Thiện được cô Lê Thị Hoa (25 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cho ăn cháo. Trong lúc ăn, cháu Thiện đã bị sặc cháo. Một lúc sau, cháu Thiện có biểu hiện tím tái, khó thở, nên được đưa đi cấp cứu. Khi Thiện được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng (Đồng Nai) thì cháu đã tử vong. Cơ quan công an xác định nguyên nhân cháu Thiện tử vong do bị sặc cháo. Được biết nhà trẻ nơi cha mẹ cháu Thiện gửi, hoạt động không có giấy phép. Vào cuối năm 2011, UBND xã Hóa An đình chỉ hoạt động, nhưng đến nay vẫn lén lút nhận nhiều trẻ để giữ. Sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã Hóa An tiếp tục đình chỉ hoạt động của nhà trẻ trẻ tư nhân này.

Còn nhớ khoảng một năm trước, tại nhà trẻ Bảo Hạ (cũng xã Hóa An) do bà Đào Thị Trinh (48 tuổi, quê Quảng Nam) làm chủ. Chiều 6.2.2012, bà Trinh mở cửa bên hông nhà trọ (cũng là nơi trông giữ trẻ) nên cháu Trịnh Minh Hoàng (5 tuổi) và một số trẻ đi ra quán ăn Hoa Hồng bên cạnh chơi. Đến 17 giờ cùng ngày, bảo mẫu đi tìm thì phát hiện cháu Hoàng đã bị chết đuối dưới hồ nước khá rộng ở gần khu giữ trẻ. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, giấy phép hoạt động của nhà trẻ Bảo Hạ đã hết hạn từ cuối năm 2009, thế nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động và tổ chức giữ khoảng 20 trẻ.

Sau sự cố này, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT tổng kiểm tra tình hình hoạt động tại các nhóm trẻ tư nhân trên địa bàn. Qua đó, tại TP. Biên Hòa có 31 trường mầm non công lập, chỉ đáp ứng được khoảng 20% số trẻ ra lớp. Còn lại, 23 trường tư thục và trên 500 nhóm trẻ tư nhân phải đảm nhận giữ 80% số trẻ.

Bất an với những nhà trẻ không phép
CNLĐ rất cần những khu nhà trẻ khang trang, đạt chuẩn. Trong ảnh là nhà trẻ của tập đoàn Phong Thái (H.Trảng Bom, ĐN) - Ảnh K.C

Thiếu trường lớp trầm trọng

Theo LĐLĐ Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN tập trung, thu hút khoảng 500.000 công nhân lao động (CNLĐ). Tình trạng quá tải ở bậc học mầm non đã dàn trải ở nhiều địa phương có đông CNLĐ. Đại diện LĐLĐ  cho rằng nguyên nhân thực tế là do chưa có quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em CNLĐ. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ hỗ trợ cho người lao động tiền nhà ở, tiền con nhỏ như là một khoản trợ cấp hàng tháng. Vì vậy, CNLĐ hầu hết phải gửi con ở những nhóm trẻ tư nhân chật hẹp, phòng ốc ẩm thấp, nóng bức và ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, những người đứng lớp giữ trẻ không được đào tạo qua nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ nên đã dẫn đến nhiều vụ bạo hành và nhiều ca thương tích dẫn đến tử vong.

Bà Huỳnh Lệ Giang – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết: “Đối với nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không được tiếp cận với các biện pháp và chương trình phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em. Thực tế các nhóm trẻ tại gia đình hiện nay nhiều nơi tự cơi nới nhà cửa một cách tự phát để giữ trẻ.” Vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và không thể cấp phép cho 162 nhóm trẻ gia đình do chưa đủ diện tích đất, số lượng trẻ trông giữ theo quy định.

KIM CƯƠNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.