Hết vụ này đến mùa khác
Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km², gồm 3 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé và hòn Mù Cu. Huyện được chia làm 3 xã An Vĩnh (huyện lỵ - đảo Lớn), An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Dân số của huyện Lý Sơn khoảng 2 vạn người. Chính vì đất hẹp, người đông, một phần lớn là núi đá khô cằn nên ở Lý Sơn, hầu như tất cả mọi nơi đều được tận dụng để trồng cây. Hết mùa này đến mùa khác, các loại cây trồng khác nhau được luân canh, không cho đất “nghỉ”.
Song, ở Lý Sơn, không có bất kỳ ruộng lúa nào. Từ tháng 9 hoặc 10 của năm trước đến tầm tháng 2 hoặc 3 của năm sau là vụ tỏi. Hết mùa tỏi, người dân lại làm đất để chuyển sang vụ hành, hết hành lại chuyển sang dưa, hết dưa thì trồng các loại đậu. Sản phẩm nào ở Lý Sơn cũng đặc biệt ngon, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tỏi. Nếu như một người khách nào đến Lý Sơn mà không mang được ít tỏi về làm quà hay khách đến Lý Sơn mà chủ nhà chưa biếu cho ít tỏi, thì xem như chưa đến Lý Sơn.
|
Những chàng trai bám biển
Đội tàu thuyền Lý Sơn là một đội mạnh. Hiện huyện đảo có gần 450 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ở đây thanh niên từ lúc mới 14, 15 tuổi đã trở thành ngư dân. Thầy giáo Võ Xuân Kiêm, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học An Vĩnh, khoe đã từng đi biển từ lúc học THCS. Tôi đến chơi nhà của Tống Đức Chiến, Đinh Văn Thời (thôn Tây An). Mới 21, 22 tuổi nhưng Chiến và Thời đã có 7 năm bám biển, hầu như vùng biển nào ở biển Đông cũng đã từng đến, nhớ tên từng hòn đảo chìm, đảo nổi, từng rặng san hô. Ngư trường truyền thống vẫn là vùng biển Hoàng Sa, nơi mà các thế hệ ông cha của họ đã đặt chân đến. Những chàng trai trẻ này mỗi chuyến vật lộn với sóng gió từ một tháng đến tháng rưỡi mới vào bờ. Nghỉ 3-4 ngày để chuẩn bị lương thực, dầu, đá (nước đá) rồi lại lên đường. Mỗi chuyến đi, trung bình được khoảng 7-9 triệu đồng; khi trúng luồng cá thì được nhiều hơn.
Mấy ngư dân trẻ cho biết, có thể lặn đến 60, 70 mét nước. Tôi hỏi lại: “Có bình ô xy, áo quần chuyên dụng bảo vệ không?”. Một thanh niên cười: “Bọn em chỉ mặc áo quần này (bình thường) thôi à, miệng thì ngậm thêm dây dẫn khí, chứ có bình lặn, áo lặn gì đâu”. Mỗi người lặn được trang bị một kính lặn, một ống dẫn khí ô xy có máy bơm đẩy khí, một sợi dây thừng quấn ngang người để người ở trên thuyền kéo lên. Khi lặn ở độ sâu 50-70 mét nước, áp suất nước ép đến ù tai, tức ngực, lồi cả mắt, vậy mà các chàng trai này vẫn chịu được.
Đội Hoàng Sa Ở Lý Sơn, có bảo tàng Hoàng Sa và tượng đài tưởng niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tọa lạc tại một vị trí đẹp, trên tuyến đường đẹp nhất, hướng ra biển Đông. Việc duy trì Hải đội Hoàng Sa và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa diễn ra liên tục, được các nước trên thế giới khẳng định ngay từ thời Chúa Nguyễn - 360 năm trước. Tới đầu thế kỷ 19 (năm 1816), nhân cuộc đo khoảng cách đường biển giữa các dinh trấn, vua Gia Long đồng thời cũng yêu cầu thủy quân cùng với Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua còn phê chuẩn tấu trình của Bộ công về việc cử người ra Hoàng Sa đo thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền. Ngày đó, tàu thuyền thô sơ, nhiều chuyến đi Hoàng Sa không trở về. Ấy vậy, mà các thế hệ thanh niên của vùng An Vĩnh, Bình Sơn và cù lao Ré (Lý Sơn) vẫn kiên cường, dũng cảm xung phong vào đội Hoàng Sa. Mỗi người đi đều vui vẻ đón nhận những khó khăn, thử thách, kể cả cái chết. Ở Lý Sơn, các thế hệ tiền nhân đã tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những người không trở về như một lễ truy điệu cho những người chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa. Câu chuyện lịch sử ấy thật hào hùng, khí phách! |
Dương Văn An
>> Gần 200 ngư dân Lý Sơn nhận chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá
>> Ngư dân Lý Sơn mở cửa biển đầu năm
>> Tặng quà tết tại đảo Lý Sơn
>> Bắn pháo hoa đêm giao thừa tại đảo Lý Sơn
Bình luận (0)