|
Hàng chục năm qua, mai tết của xã Nhơn An đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường cây cảnh của cả nước. Xã có 6 thôn thì 5 thôn (Tân Dương, Thuận Thái, Thanh Liêm, Trung Định và Háo Đức) đã được tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống trồng mai cảnh. Với hơn 2.200 hộ (chiếm 80% dân số) tham gia trồng mai, mỗi vụ tết xã Nhơn An thu từ 6-10 tỉ đồng từ loại cây cảnh này.
Mừng vui là vậy nhưng không ít người trồng mai ở Nhơn An phải “mất ngủ” vì dịch bệnh đang rình rập. Để trồng và chăm sóc mai, nông dân ngày càng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học… Lượng hóa chất độc hại tích tụ ngày càng nhiều khiến đất đai, nguồn nước ngầm, không khí… ngày càng ô nhiễm. Sau mỗi lần phun thuốc trừ sâu cho vườn mai, nhiều nông dân bị tức ngực, đau đầu, khó thở…
Năm 2010, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Bình Định thực hiện đề tài Xây dựng mô hình sản xuất cây mai vàng chất lượng cao theo hướng chuyên canh hàng hóa tại Bình Định. Có 10 hộ dân xã Nhơn An với 10.000 chậu mai từ 1-3 tuổi được chọn tham gia thí điểm mô hình. Sau 24 tháng thực hiện, kết quả nghiệm thu đề tài rất khả quan, hầu hết hộ trồng mai, thậm chí là những hộ không tham gia trồng thí điểm, đều chuyển sang hướng “trồng mai sạch”.
Ông Nguyễn Trí Tuấn (ở thôn Thanh Liêm), người trồng 1.500 chậu mai sạch thí điểm cho biết: “Trước đây, sau khi phun thuốc phải mất hơn một tuần mới dám ra vườn chăm mai nhưng khi chuyển sang dùng thuốc sinh học thì chỉ cần 2 ngày là đủ. Bây giờ ra vườn vô tư mà không sợ độc hại”.
Theo Th.S Lê Thị Kim Đào, chủ nhiệm đề tài, người trồng mai ở Nhơn An đang thay đổi dần thói quen trồng mai truyền thống, dùng thuốc BVTV hóa học sang kỹ thuật hiện đại và dùng thuốc BVTV sinh học. “Tuy chi phí để “trồng mai sạch” cao hơn trước nhưng bù lại sẽ giúp cho xã Nhơn An giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ bệnh tật cho người dân”, Th.S Đào khẳng định.
Xuân Khánh
Bình luận (0)