Xanh mặt vì heo tai xanh

05/03/2013 11:23 GMT+7

Dịch heo tai xanh bất ngờ quét qua Quảng Nam, Quảng Trị ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Quý Tỵ. Có đi vào những ổ dịch này mới hiểu được sức tàn phá kinh khủng của loại dịch bệnh này...

Dịch heo tai xanh xảy ra tại Quảng Trị từ ngày 18.2 tại khóm 1 (TT.Hồ Xá, H.Vĩnh Linh), sau đó là thôn Lễ Môn (xã Gio Phong, H.Gio Linh) ngày 20.2, rồi đến thôn Nại Cửu (xã Triệu Đông, H.Triệu Phong) và thôn Hòa Thành (xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa) ngày 21.2. Cộng với ổ dịch tại xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong) mới phát hiện thì toàn tỉnh có  tổng số lợn mắc bệnh là 794 con, chết và tiêu hủy hơn 200 con. Trong các địa phương nêu trên, thôn Nại Cửu (xã Triệu Đông) bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là tại đội 1, chính vì thế mà từ ngày 23.2, UBND tỉnh Quảng Trị đã công bố dịch tại địa phương này.

Xanh mặt vì heo tai xanh 
Lê Thị Hảo (50 tuổi, đội 1, thôn Nại Cửu) xót xa đứng trước chuồng heo trống không - Ảnh: N.P

Sáng 3.3, PV Thanh Niên đã đi vào vùng dịch của xã Triệu Đông. Từ đầu thôn Nại Cửu đã thấy treo các băng rôn cảnh báo “vùng dịch heo tai xanh” và các loại hóa chất phòng dịch được rải trắng đường. Có một không khí u uất buồn bã đang hiện hữu ở vùng quê nghèo này. Cũng dễ hiểu khi heo chết hết, gia tài của người chăn nuôi lần lượt đội nón ra đi thì vui làm sao được.

Bà Lê Thị Hảo (50 tuổi, đội 1, thôn Nại Cửu) nói như khóc: “Mới mùng 1 Tết thì chúng tôi phát hiện ra dấu hiệu heo mắc bệnh. Cả nhà cùng xúm vào để chăm sóc, chạy chữa, gọi thú y... nên có ăn tết được đâu. Vậy mà heo vẫn chết cả. Chạy vào chạy ra với con heo, giờ người cũng đau theo”. Hộ của bà Hảo hiện là hộ nuôi heo có số lượng lớn nhất thôn đồng thời cũng là hộ thiệt hại nặng nề nhất, với khoảng 30/94 con heo “ra đi”. Nhà anh Võ Vĩnh Định (40 tuổi, cách nhà bà Hảo không xa) cũng không khấm khá hơn. Dù đàn chỉ có 8 con nhưng đã chết 7 con. “Tiếc nhất là con heo nái quỵ ngay đêm mùng 3 tết, gầy giống mấy năm mới được mà nó đi dễ dàng quá. Xót của nên vợ chồng và 3 đứa con của tôi cũng chẳng màng chi mứt gừng, hạt dưa”, anh Định nói.

Không riêng gì bà Hảo anh Định mà hơn 100 hộ chăn nuôi heo trong cái thôn nhỏ bé này ai cũng cuống cuồng, phờ phạc trong những ngày đầu năm Quý Tỵ. “Heo bệnh rồi chết hết cả, mọi người phải tập trung chống dịch, cứu heo, còn hơi sức mô mà ăn tết hả anh? Dân không có tết, cán bộ thú y cũng không có tết, vậy nên năm ni thôn ăn tết buồn bạn lắm”, ông Trần Nhân Sinh, trưởng thôn Nại Cửu tặc lưỡi. Phần nữa, vì là vùng dịch nên thôn Nại Cửu bị cách ly với bên ngoài, còn người nơi khác cũng ngại ghé chơi, nên đã buồn lại thêm vắng...

Dịch chồng dịch

Trong khi đó, tại Quảng Nam, dịch heo tai xanh bắt đầu bùng phát tại vùng B, H.Đại Lộc từ những ngày trong tết Nguyên đán đã nhanh chóng lan rộng ra 7 huyện. Khi dịch tai xanh vẫn đang diễn biến phức tạp thì những ngày gần đây, tại H.Phú Ninh lại tiếp tục xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 khiến nhiều người chăn nuôi méo mặt. Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, trong khoảng 1 tháng xảy ra dịch heo tai xanh (tính từ ngày 9.2), toàn tỉnh có 37 xã của 7 huyện: Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và Tiên Phước có dịch bệnh.

Xanh mặt vì heo tai xanh 2
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số heo bị mắc bệnh heo tai xanh tại xã Triệu Đông (H.Triệu Phong, Quảng Trị) - Ảnh: N.P

Theo đó, số heo mắc bệnh đã lên đến gần 4.500 con, số heo chết gần 700 con; tiêu hủy bắt buộc gần 870 con với trọng lượng hàng chục tấn gây tổn thất không nhỏ cho người nuôi. Địa phương ảnh hưởng dịch heo tai xanh nặng nề nhất là H.Quế Sơn với hơn 330 con heo buộc phải tiêu hủy, tiếp đó là H.Đại Lộc với hơn 300 con cũng đã được tiêu hủy. Điều đáng nói là, trong số heo tiêu hủy có rất nhiều heo giống, gây khó khăn không nhỏ cho việc tái đàn sau dịch bệnh. Toàn tỉnh có hơn 260 con heo nái đã tiêu hủy.

Người dân trong vùng dịch heo tai xanh thắt ruột vì đàn heo chết dần, còn người nuôi gia cầm tại H.Phú Ninh cũng đang mất ăn mất ngủ khi phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Theo ông Nguyễn Tiến Phi, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lộc, địa phương là nơi chăn nuôi gia cầm nhiều nhất H.Phú Ninh với gần 100 gia trại, trang trại. Nhiều ngày qua, hàng ngàn con gà bỗng dưng chết đột ngột, sau đó các mẫu xét nghiệm lại dương tính với cúm H5N1 làm người dân trong xã hết sức lo lắng. “Bởi nhiều gia đình đã đầu tư làm trang trại, thức ăn đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Gà chết, không chỉ mất đi vốn liếng mà họ còn phải lo trả những khoản lãi vay”, ông Phi nói.

Ông Nguyễn Văn Vinh (38 tuổi), chủ trang trại gà tại thôn 3, xã Tam Lộc (H.Phú Ninh) cho biết, thả nuôi khoảng 1.000 con gà trong khoảng 2 tháng, gà đã nặng 1,5 kg chuẩn bị xuất chuồng thì dịch bệnh ập đến. “Tôi đã chi khoảng 15 triệu đồng mua thêm thức ăn thúc đàn nhưng do dịch bệnh, buộc phải tiêu hủy hàng trăm con, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Đợt này, không lỗ vốn đã là mừng…”, ông Vinh nói.

Ngay sau khi xảy ra dịch tại các địa phương, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị và Chi cục thú y tỉnh đã tích cực chỉ đạo và thực hiện các biện pháp dập dịch, tiêu hủy lợn chết, khoanh vùng, không cho dịch lây lan. Ông Trần Đức Nhu, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết đã cấp 50.000 liều vắc xin đến các huyện có dịch, tổ chức tiêm phòng được 24.049 con lợn tại ổ dịch và vùng có nguy cơ cao. Trong khi đó, nguồn tin của Thanh Niên còn cho hay UBND tỉnh Quảng Trị đã chi khẩn cấp hơn 1,2 tỉ đồng, giao cho Chi cục thú y của tỉnh để phòng chống dịch tai xanh.

N.P

Nguyễn Phúc - Hoàng Sơn

>> Quảng Nam quyết liệt dập dịch heo tai xanh
>> Dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp
>> Quảng Trị bùng phát dịch heo tai xanh
>> Bệnh heo tai xanh xuất hiện tại Quảng Trị
>> Chống dịch heo tai xanh
>> Hơn 1,2 tỉ đồng dập dịch heo tai xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.