4 bộ “giáp công” mũ bảo hiểm

06/03/2013 03:40 GMT+7

Theo dự thảo Thông tư liên tịch của 4 bộ (KH-CN, GTVT, Công an và Công thương) quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực vào tháng 4 tới, thì mũ bảo hiểm dỏm sẽ bị tấn công trên 3 mũi: nhà sản xuất, người kinh doanh và cả người tiêu dùng.

Bản dự thảo thông tư do Bộ KH-CN chủ trì xây dựng, đã được các bộ đồng ý thông qua và đang chờ các thủ tục liên quan để ban hành. Trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) đội đầu khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Mũ bảo hiểm  
Lực lượng QLTT kiểm tra một cửa hàng mũ bảo hiểm tại Hà Nội - Ảnh: Hoàng Trang

Nhận diện mũ giả, mũ thời trang…

Dự thảo thông tư bắt buộc người ngồi trên xe máy phải sử dụng đúng MBH theo quy định: Có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu cho người đội khi xảy ra va chạm giao thông hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông; có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Đồng thời người đội MBH phải cài quai đúng quy cách, không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.

 

Đạt chuẩn hay không là trách nhiệm của cơ quan quản lý và QLTT phải ngăn chặn
để loại mũ này không xuất hiện trên thị trường. Bởi vậy, việc thực hiện xử phạt với loại mũ không đạt chất lượng chỉ thực hiện khi đã có sự truyền thông đầy đủ để người dân phân biệt, đồng thời các nhà sản xuất cam kết, cung cấp các điểm bán mũ đạt chuẩn. Nói cách khác là phải xử lý, giải quyết từ gốc trước, sau đó mới tính đến chuyện xử phạt

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra khái niệm “mũ giả” và cho biết, từ 15.3 Ủy ban ATGT sẽ có chiến dịch về truyền thông để người dân có thể phân biệt đâu là mũ thật, đâu là mũ giả, với mục tiêu cuối cùng là người dân có thể phân biệt được khi mua (dự kiến kéo dài trong 2 tháng). Ngoài ra, ủy ban này cũng sẽ ký cam kết với các điểm bán mũ không bán các mũ không đạt tiêu chuẩn chất lượng để người bán phải có trách nhiệm. Các nhà sản xuất mũ cũng phải ký cam kết sản xuất mũ đảm bảo chất lượng, kiểu dáng, hình thức phù hợp, giá cả phải chăng.

Theo ông Hiệp, chiến dịch truyền thông đặt mục tiêu tuyên truyền phân biệt cho người dân về MBH giả và MBH kém chất lượng. “MBH giả có mấy loại nhận biết, ví dụ không có nhãn mác, chủ yếu đang bày bán dưới dạng mũ thời trang, hoặc có nhãn mác nhưng không ghi là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy. Cấu tạo cơ bản chỉ có một lớp nhựa, không có 3 lớp như quy định của Bộ KH-CN, nếu có thêm thì lớp xốp cũng rất mỏng và mềm”, ông Hiệp nói.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Theo dự thảo thông tư, Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường (QLTT), cơ quan thanh tra, kiểm tra ngành khoa học và công nghệ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh MBH trên địa bàn quản lý. Đồng thời lực lượng CSGT và các lực lượng cảnh sát khác, công an xã/phường/thị trấn tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe máy đội MBH không đạt chuẩn.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận các loại mũ có gắn tem nhưng không đạt chuẩn hiện nay người dân rất khó phân biệt thật giả. Vì thế, người dân đội mũ này tới đây sẽ chưa bị phạt, nếu lực lượng chức năng phát hiện chỉ nhắc nhở. “Đạt chuẩn hay không là trách nhiệm của cơ quan quản lý và QLTT phải ngăn chặn để loại mũ này không xuất hiện trên thị trường. Bởi vậy, việc thực hiện xử phạt với loại mũ không đạt chất lượng chỉ thực hiện khi đã có sự truyền thông đầy đủ để người dân phân biệt, đồng thời các nhà sản xuất cam kết, cung cấp các điểm bán mũ đạt chuẩn. Nói cách khác là phải xử lý, giải quyết từ gốc trước, sau đó mới tính đến chuyện xử phạt”, ông Hiệp nói rõ.

Từ đầu tháng 3, QLTT cũng đã ra quân thí điểm xử lý các cơ sở sản xuất mũ giả tại Hà Nội, Hải Phòng. Kết quả kiểm tra cho thấy 100% điểm bán mũ đều có sai phạm, trong 3.000 mũ kiểm tra thì 2.000 mũ giả và nhái đã bị phát hiện và tịch thu.

Cùng với chiến dịch truyền thông phân biệt MBH thật - giả của Ủy ban ATGT, từ 15.3 tới đây, theo Cục phó Cục QLTT Đỗ Thanh Lam, QLTT cả nước cũng sẽ đồng loạt ra quân “làm tận gốc”, xử lý các cơ sở sản xuất, bán mũ giả với mục tiêu để mũ giả không xuất hiện trên thị trường.

Cân nhắc việc xử lý người tiêu dùng

Đề cập đến việc xử lý trách nhiệm người đội mũ không đạt chuẩn theo dự thảo thông tư, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định: “Việc đội MBH giả, kém chất lượng đã phạt chưa, phạt lúc nào? Theo các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT từ 34 đến 71 và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 71 thì vẫn xử phạt bình thường đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH giả khi tham gia giao thông. Không phải tới 15.4 tới đây sẽ xử phạt như một số thông tin”. Ông Hiệp cho rằng hành vi đội MBH giả được xem là không phải đội MBH, xem như đội mũ mềm, mũ thời trang ra đường. Ở góc độ này, người tham gia giao thông đội mũ giả sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ.

Trong khi đó, trả lời Thanh Niên chiều qua, ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết: Thông tư chỉ tập trung vào xử lý sản xuất, kinh doanh, buôn bán, các đại lý MBH... Về việc xử lý người tiêu dùng đội mũ dỏm, ông Vinh cho biết, hiện dự thảo vẫn chưa chính thức ban hành và cơ quan soạn thảo vẫn đang tiếp tục cân nhắc đến biện pháp xử lý.

Một cán bộ thuộc Cục CSGT đường bộ - đường sắt thì nói thẳng CSGT không được trang bị kiến thức để phân biệt đâu là mũ thật đâu là mũ không thật... “Để xử lý cần phải có đội liên ngành gồm CSGT, QLTT, thanh tra khoa học công nghệ. Chỉ có CSGT mới có chức năng dừng xe để kiểm tra. Lực lượng QLTT, thanh tra khoa học công nghệ phải kiểm tra mũ đó là thật hay giả rồi tham vấn cho CSGT xử phạt. Trong trường hợp tranh cãi thật hay giả thì sẽ rất phức tạp”, vị này nói.

Học hỏi kinh nghiệm của Đà Nẵng

Theo một lãnh đạo đơn vị thẩm định dự thảo thông tư thuộc Bộ Công an, tinh thần của thông tư chủ yếu nhắm tới xử lý những hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH không đạt các tiêu chuẩn, còn việc xử phạt người sử dụng chỉ là bước cuối cùng để giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia giao thông một cách an toàn. Khi thẩm định, Bộ Công an cũng biết hiện có rất nhiều người dân đang sử dụng các loại MBH không đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên phải có một thời gian dài tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở để người dân dần từ bỏ việc sử dụng các loại mũ này khi lưu thông trên đường. Thậm chí ở một số địa phương phải học hỏi kinh nghiệm của Đà Nẵng trong việc hỗ trợ đổi mũ tốt cho người dân.

Thái Sơn

Thái Sơn - Mai Hà

>> Mũ bảo hiểm “dỏm” bày bán tràn lan
>> Đa số mũ bảo hiểm kém chất lượng
>> Mũ bảo hiểm SOS
>> Điều tra cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm nghi kém chất lượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.