Đầu giờ sáng 6.3 (theo giờ VN), Phó tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thông báo ông Chavez qua đời ở tuổi 59 sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư. Lúc còn sống, Tổng thống Chavez từng cho rằng mình là “chiến binh chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” và là “kẻ thù số 1 của Mỹ”. Những ai từng tiếp xúc với nhà lãnh đạo này đều bị thu hút bởi phong thái ấn tượng và sự nhiệt huyết của ông. Dù có nhiều tranh cãi nhưng không ai có thể phủ nhận những gì mà ông Chavez đã làm cho Venezuela trong lúc cầm quyền.
|
Dấu ấn quan trọng nhất dưới thời Tổng thống Chavez là Cuộc Cách mạng Bolivar, được đặt tên theo người hùng Venezuela Simon Bolivar, với mục tiêu lèo lái đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Kế hoạch đặt ra là: xóa mù chữ, phân phối thực phẩm theo tem phiếu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại mọi miền đất nước... Ông Chavez còn đưa các chương trình phúc lợi xã hội lên một bước mới, khuếch trương cả về quy mô lẫn tính phổ biến. CNN dẫn lời Michael Shifter, Chủ tịch tổ chức Đối thoại châu Mỹ - Trung tâm nghiên cứu và chính sách ở Washington, cho biết: “Di sản tích cực nhất mà ông Chavez để lại là đã bắt tay giải quyết nỗi bất bình chính đáng nhất của nhiều người dân Venezuela: bất bình đẳng xã hội”.
Dù là nhân vật gây tranh cãi tại phương Tây, ông Chavez từng đắc cử và tái đắc cử nhiều lần nhờ vào sự ủng hộ của người nghèo. Vị tổng thống này đã đáp ứng nhu cầu và giải tỏa nỗi thất vọng của dân nghèo bằng cách thường xuyên đối đầu với giới giàu có trong nước. Ông cũng hứa rằng lợi nhuận thu được từ nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào sẽ được phân bổ lại cho người nghèo. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người sống dưới mức đói nghèo ở Venezuela giảm từ 62% vào năm 2003 xuống còn 29% vào năm 2009. Trong vòng 6 năm từ 2001 đến 2007, tỷ lệ mù chữ giảm từ 7% xuống còn 5%. “Ông Chavez rõ ràng đã mang lại sự công nhận lẫn cảm giác được tôn trọng cho những người từng nghĩ rằng mình bị phớt lờ và vô hình trước mắt người khác”, theo CNN dẫn lời Jennifer McCoy, Giám đốc Chương trình Mỹ thuộc Trung tâm Carter ở Atlanta.
Tuy nhiên, việc hồi sinh nhận thức chính trị cho tầng lớp bình dân đã không chuyển hóa thành giải pháp bền vững trước thách thức đói nghèo. Theo giới phân tích, lỗ hổng ở đây là ông Chavez đã không đầu tư đủ vào cơ sở hạ tầng, các chương trình phúc lợi không đi đôi với chiến lược tạo ra việc làm. Chuyên gia McCoy đánh giá lỗ hổng này “giống như cơ hội bị đánh mất”. Ngoài ra, dưới thời ông, kinh tế Venezuela cũng ngày càng phụ thuộc hơn vào dầu khí. Chính quyền đã quốc hữu hóa các ngành công nghiệp then chốt như: dầu khí, khai thác vàng, xi măng. Ngược lại, Venezuela phải đền bù nhiều tỉ USD cho các đối tác nước ngoài. Đây sẽ là những vấn đề mà người kế nhiệm Tổng thống Chavez phải tiếp tục gánh vác.
Theo hiến pháp quy định, ghế tổng thống lâm thời phải được trao về tay Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Elias Jaua vừa tuyên bố Tổng thống Chavez đã đích thân chỉ định người phó Maduro sẽ ngồi vào vị trí trên cho đến khi cuộc bầu cử được tiến hành trong vòng 30 ngày. Theo AFP, Tòa tối cao từ chối đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này. Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Diego Molero vừa thông báo quân đội đã được triển khai trên toàn quốc để bảo vệ hiến pháp và tôn trọng di nguyện của nhà lãnh đạo Chavez. Giới quan sát đánh giá mức độ đồng thuận giữa đảng PSUV của ông, quân đội và phe đối lập sẽ quyết định tiến trình chuyển giao quyền lực tại Venezuela diễn ra như thế nào.
Lãnh đạo nhiều nước thương tiếc ông Chavez Lãnh đạo các nước đã có những phản ứng khác nhau về sự qua đời của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. TTK LHQ Ban Ki-moon đã gửi “những lời chia buồn sâu sắc nhất” đến nhân dân và chính phủ Venezuela. Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Tại thời điểm thử thách khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, nước Mỹ tái xác nhận sự hỗ trợ dành cho nhân dân Venezuela và các lợi ích của Mỹ trong việc phát triển quan hệ có tính xây dựng với chính phủ Venezuela. Khi Venezuela khởi động một chương mới trong lịch sử, Mỹ vẫn trung thành với chính sách phát huy các nguyên tắc dân chủ, thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền”. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói, dù không phải ai cũng chia sẻ quan điểm với ông Hugo Chavez, nhưng không ai phủ nhận mong muốn chiến đấu vì công lý và phát triển của vị tổng thống này. Cuba đã tuyên bố 3 ngày quốc tang cho ông Chavez. Trong tuyên bố đọc trên truyền hình, chính phủ Cuba nói ông Chavez “đã đứng cạnh lãnh tụ Fidel Castro như một người con trai” trong 14 năm cầm quyền. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff: “Hôm nay một người châu Mỹ La tinh vĩ đại đã qua đời. Có nhiều lần chính phủ Brazil không hoàn toàn nhất trí với Tổng thống Hugo Chavez nhưng hôm nay, chúng tôi công nhận ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại và trên hết là một người bạn của Brazil”. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin: “Đó là một thảm kịch. Ông ấy là một chính trị gia vĩ đại đối với Venezuela, khu vực và thế giới”. Trùng Quang (Tổng hợp) |
Ông Chavez sinh ngày 28.7.1954 tại bang Barinas và trải qua không ít sóng gió trước khi trở thành nhà lãnh đạo của Venezuela. 1992: Đi tù sau vụ đảo chính bất thành thời Tổng thống Carlos Andres Perez 1994: Được Tổng thống Rafael Caldera ân xá, gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro 1998: Thắng cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên với 62% số phiếu ủng hộ, trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử Venezuela 1999: Xây dựng hiến pháp mới 2000: Thắng cử lần 2 với 60% số phiếu ủng hộ 2002: Bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính nhưng sau đó được đưa về làm tổng thống 2006: Đánh bại đối thủ Manuel Rosales với 63% số phiếu 2011: Ông Chavez công bố được điều trị cắt bỏ khối u vùng chậu tại Cuba, xác nhận bị ung thư 2012: Tái đắc cử lần 4 với 55% số phiếu 5.3.2013: Phó tổng thống Nicolás Maduro thông báo tin từ trần. |
Ngày 6.3.2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi điện chia buồn tới Phó chủ tịch thứ nhất Ðảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV), Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello và Phó tổng thống Venezuela Nicolás Maduro về việc Tổng thống nước này Hugo Chavez qua đời vào ngày 5.3. Trong điện chia buồn, lãnh đạo Việt Nam bày tỏ tin tưởng đất nước và nhân dân Venezuela sẽ sớm vượt qua mất mát, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn; quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác tại hai khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Elias Jaua. Cũng trong ngày 6.3, đoàn đại biểu đại diện Lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã lên đường đi Venezuela dự tang lễ chính thức Tổng thống Chavez do Chính phủ nước này tổ chức vào ngày 8.3. (Theo TTXVN) |
Thụy Miên
>> Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời ở tuổi 58
>> Tổng thống Venezuela Hugo Chavez bị suy hô hấp
>> Những khoảnh khắc cuộc đời Hugo Chavez
>> Tổng thống Hugo Chavez về lại Venezuela
>> Sức khỏe Tổng thống Hugo Chavez lại chuyển biến xấu
>> Ông Hugo Chavez bật khóc khi cầu khỏi bệnh ung thư
Bình luận (0)