Điêu đứng với dịch: Nợ nần chồng chất

06/03/2013 09:22 GMT+7

Không chỉ thiệt hại về thu nhập, rất nhiều hộ nuôi heo, gà tại vùng dịch đứng ngồi không yên vì nợ nần.

Điêu đứng với dịch: Nợ nần chồng chất
Người dân rãi vôi khử trùng trại nuôi gà để chống dịch lây lan - Ảnh: H.S

Có vào vùng dịch bây giờ, không khí u buồn của các hộ dân làm nghề chăn nuôi dễ dàng nhận thấy. Ông Mai Quốc Tuấn (38 tuổi, trú tại xã Tam Lộc, H.Phú Ninh, Quảng Nam) buồn rầu: “Vừa thả nuôi 3.000 con gà thì xảy ra dịch bệnh. Dịch cúm làm thiệt hại cả trăm triệu đồng, trong đó, tôi có vay ngân hàng 40 triệu đồng vẫn chưa trả xong nợ...”.

Nợ nần cũng là mối lo đối với người nuôi heo tại khắp các xã xảy ra dịch, đặc biệt là tại xã Quế Xuân 2 và Quế Cường (H.Quế Sơn) nơi có số lượng heo tiêu hủy nhiều nhất tỉnh Quảng Nam với khoảng 200 con.  Ngoài ra, thực thi lệnh cấm vận chuyển, giết mổ và sử dụng các sản phẩm từ heo nên nhiều chợ đầu mối buôn bán heo tại tỉnh này như chợ Bà Rén (H.Quế Sơn), chợ Hà Lam (H.Thăng Bình) cũng đìu hiu. Thiệt hại vì heo chết là không nhỏ, đó là chưa kể việc cấm buôn bán thịt heo khiến những người ngoài vùng dịchcũng lao đao.

Ông Đặng Xuân Hoài (55 tuổi), trú tại xã Tam Phước, H.Phú Ninh - nơi ngoài vùng dịch heo tai xanh cho biết, hiện số heo có thể xuất chuồng của trang trại ông có gần 100 con. Thế nhưng do dịch bệnh bùng phát, số heo này đành phải để lại chờ hết dịch. “Heo chưa bán được ngày nào thì ngày đó tôi phải bỏ ra 8 triệu đồng để chăm sóc, cho ăn. Sau dịch, giá heo chưa chắc trở lại dình thường, rồi còn bị tư thương ép giá!”, ông Hoài than.

Tan bao dự định

Hậu quả của dịch heo tai xanh ở xã Triệu Đông (H.Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn còn hiện hữu đến tận bây giờ, sau gần nửa tháng phát dịch.  “Cuối năm 2012 tui vay cả trăm triệu để xây chuồng trại, mua giống để làm liều trả nợ mà giờ heo chết, nợ chồng thêm nợ, không biết phải mần răng đây...”, ông Hoàng Cảnh (53 tuổi) thở dài. Người đàn ông này bảo, không có việc gì xót xa hơn việc phải đào hố và gánh heo bệnh đi chôn. Vì từng nhát cuốc, từng xẻng đất chôn heo chính là chôn tiền chôn bạc và chôn bao ước mơ của mình. Ví như nhà anh Định, chồng phụ hồ, vợ chạy chợ, 3 đứa con nheo nhóc thì 7 con heo đã chết thực sự là một gia tài. “Trước tết, vợ chồng bàn bạc ra năm sẽ xuất heo hết để kiếm tiền sửa lại phần bếp đã xiêu vẹo, sụt xuống vậy mà chừ chỉ còn biết nhìn nhau”, vợ anh Định buông câu chán nản.

Còn bà Lê Thị Hảo (50 tuổi, đội 1, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông)  nước mắt ngắn dài vì lỡ thất hứa với con. Số là bà từng hẹn với đứa con út sẽ mua cho nó cái máy tính xách tay để đi học nhưng giờ thì còn đâu nữa.

Mong sự chung tay của chính quyền

Người dân thôn nghèo này giờ cũng chẳng thiết tính toan gì, họ thực sự cần sự hỗ trợ của chính quyền. “Chừ nhà nước giúp được cái chi cũng quý hết, sớm chừng nào hay chừng đó vì nói gì thì nói đây cũng là sự xui rủi của mình, biết kêu ai...”, một người dân nói.

Để giúp người chăn nuôi nhanh chóng phục hồi sản xuất, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã khẩn trương cấp phát hàng ngàn liều vắc xin cho các địa phương tiêm phòng cho heo, gà. Hóa chất, thuốc sát trùng được phun để ngăn chặn dịch lây lan. Theo ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, sau khi có số liệu heo, gà chết do dịch bệnh, phía Sở sẽ có đề xuất với UBND tỉnh để tỉnh đề xuất với Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí giúp người chăn nuôi. Theo quy định, giá heo tiêu hủy do bệnh tai xanh hoặc chết do phản ứng vì tiêm phòng sẽ được hỗ trợ 23.000 đồng/kg, gia cầm là 35.000 đồng/kg.

“Với việc triển khai các biện pháp dập dịch quyết liệt, theo dự kiến đến cuối tháng 3, Quảng Nam sẽ công bố hết dịch heo tai xanh để tạo điều kiện cho người chăn nuôi buôn bán trở lại”, ông Muộn nói thêm.

Mặc dù tại Đà Nẵng, dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm chưa xuất hiện, nhưng do ở gần tỉnh Quảng Nam - vùng có dịch nên tâm lý của người tiêu dùng hết sức lo ngại. Chị Hải, một tiểu thương bán thịt ở chợ Hàn (Đà Nẵng) cho hay, thường ngày vào dịp này, mỗi ngày chị bán hơn 1 con heo, nhưng giờ chỉ bán vài chục kg. Nhiều hôm bán không hết phải mang về ăn. “Những bạn hàng quen biết mình bán hàng rõ nguồn gốc thì mới tới dám mua về ăn, mà cũng mua ít ít ăn cho đỡ thèm; còn khách lạ thì hầu như không có!” tiểu thương này chia sẻ. Đó là tình hình chung của các tiểu thương buôn bán thịt heo tại hầu hết các chợ của Đà Nẵng.

Cuối tháng 2 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng cũng có công văn cũng yêu cầu Sở NN-PTNN TP chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm vào TP.Đà Nẵng qua các Trạm kiểm dịch Kim Liên và Hòa Phước. Đồng thời tạm dừng nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành phố có dịch.

Diệu Hiền

Nguyễn Phúc - Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.