Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 4: Thành ngôi sao quốc tế

07/03/2013 00:10 GMT+7

Kiều Chinh là ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam cùng những tên tuổi Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga.

>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 3: Người tình không chân dung

Một nàng hai chàng là tựa đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bình Nguyên Lộc, một câu chuyện hấp dẫn và có ý nghĩa về cách sống ở đời, nên tôi đã chọn để làm phim trong năm 1973.  Từ tiểu thuyết Một nàng hai chàng, tôi đã đặt tên phim lại là  Hồng Yến, nối tên của nhân vật chính là Hồng với tên của loài chim Yến. Nếu tính từ vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ, lúc Kiều Chinh 20 tuổi, thì 15 năm sau tôi và Kiều Chinh mới có dịp hợp tác tiếp trong phim này và cũng là phim cuối cùng chúng tôi hợp tác với nhau. Ngay từ bộ phim đầu, phong cách diễn của Kiều Chinh rất chân thật, diễn như không diễn, nhưng luôn gây xúc động cho khán giả. Kiều Chinh đi vào phim với tâm hồn nhạy cảm, đã trải qua cuộc đời đầy gian khổ lẫn niềm vui. 

 Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 4: Thành ngôi sao quốc tế
Kiều Chinh và nghệ sĩ Kim Cương (bìa trái), đạo diễn Lê Dân (bìa phải) - Ảnh: Tác giả cung cấp

Đi vòng quanh thế giới để đoàn tụ gia đình

Kiều Chinh nói tiếng Anh lưu loát nên đã cộng tác được với nhiều đoàn làm phim nước ngoài: A Yank in Vietnam, Operation C.I.A, Year Of The Tiger… Trong năm 1968, Kiều Chinh trở thành quốc khách của Philippines khi đóng phim Destination Viet Nam. Năm 1971, Kiều Chinh đến Ấn Độ đóng vai công chúa Kamar Souria trong phim Devil Within do Hãng 20th Century Fox của Mỹ sản xuất. Đây là phim đưa sự nghiệp của Kiều Chinh lên đến tột đỉnh vinh quang.

Năm 1975, Kiều Chinh vừa đóng xong phim Full House ở Singapore thì Sài Gòn được giải phóng. Vào cuối tháng 4.1975, giấy thông hành của cô không còn giá trị, Kiều Chinh phải rời khỏi Singapore trong thời hạn 48 giờ. Kiều Chinh tìm cách sang Canada, nơi cả ba đứa con đang du học. Một ngày cuối tháng 4.1975, Kiều Chinh bắt đầu chuyến bay định mệnh đi vòng quanh thế giới. Kiều Chinh không được phép nhập cảnh vào bất cứ nước nào vì chính quyền miền Nam Việt Nam đối với quốc tế lúc bấy giờ đang trong tình trạng vô chính phủ. Sau hơn 100 giờ bay và chờ đợi ở các phi trường, chỉ có cái xách tay duy nhất bên người, với tâm trạng vô cùng lo lắng, nôn nóng đến tột cùng, Kiều Chinh đi qua rất nhiều sân bay quốc tế. Vào 6 giờ chiều ngày 30.4.1975, chuyến bay cuối cùng đáp xuống Toronto của Canada. Kiều Chinh ứa nước mắt ôm được ba đứa con trong vòng tay. Nơi xứ lạ, Kiều Chinh phải từ giã địa vị ngôi sao điện ảnh châu Á để nhận làm việc ở một trại gà, lao động chân tay vất vả với mức lương tối thiểu để được sống chung với ba đứa con chưa trưởng thành.

Lúc bấy giờ chồng của Kiều Chinh cũng tới đảo Guam rồi sau đó đến Canada đoàn tụ với gia đình. Nghĩ rằng đây không phải là đời sống của mình và tương lai các con, Kiều Chinh quyết định tìm mọi cách vào đất Mỹ nên cố tìm địa chỉ các tài tử Mỹ quen biết trước đây. Cuối cùng, Kiều Chinh đã bắt được liên lạc với nữ tài tử Tippi Hedren. Ngay lập tức Kiều Chinh được nữ tài tử ấy bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ, định cư ở California. 

Con đường đến Hollywood

Tại California, với khả năng sẵn có, với quyết tâm của một bà mẹ lo lắng cho con cái, Kiều Chinh cố gắng bước vào con đường đến Hollywood đầy gian nan khó nhọc.

Khởi đầu với bộ phim truyền hình nổi tiếng Mash, sau đó Kiều Chinh tiếp tục xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình khác: The Children of An Lac (1980), The letter (1982), The girl who spelled freedom (1986), Hamburger hill (1987), Gleaming the Cube (1988), Catfish in Black Bean sauce (1999), What's cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002). Năm 1993, Kiều Chinh vào vai Suyuan, một bà mẹ Trung Hoa trong phim truyện The Joy Luck Club của Wayne Wang nổi tiếng thế giới. Năm 1996, Viện Khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tư liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez. Năm 2003, tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế (Vietnamese International Film Festival), Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women's Film Festival) ở Torino của Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất đặc biệt (Special Acting Award). Cũng tại đại hội này ban tổ chức đã trao 6 giải thưởng cho các nữ diễn viên tiêu biểu toàn thế giới và Mỹ chiếm được hai giải thưởng dành cho Shirley McLaine và Kiều Chinh. Đặc biệt trong năm 2005, Kiều Chinh đã nhận giải America Heritage Award. 

Đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng Việt Nam cũng như ngoại quốc viết về Kiều Chinh từ những góc nhìn khác nhau. Đáng chú ý nhất là nhận xét của hai nhân vật quốc tế: nữ tài tử nổi tiếng Tippi Hedren và nhà văn nữ Alison Leslie Gold. Nhận xét về con người của Kiều Chinh, Tippi Hedren đã tuyên bố: “Kiều Chinh thực sự là một trong những phụ nữ can đảm nhất, mạnh mẽ nhất và dịu dàng nhất mà tôi được quen biết trong suốt cuộc đời của tôi”. Còn Alison Leslie Gold, tác giả của Nhật ký của Ann Frank đã viết về Kiều Chinh: “Kiều Chinh là một phụ nữ phi thường. Tôi xin ngả mũ chào Kiều Chinh, một phụ nữ có sắc đẹp cao quý, một nghệ sĩ với tài năng hiếm có. Với tôi, Kiều Chinh còn là người bạn trung thực và cao quý”.

…Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc của những ngày tháng vào vai trong phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ, Kiều Chinh đã cho biết: “Nếu bây giờ trở lại thời gian của 50 năm trước, khi được lời mời đóng phim Hồi chuông Thiên Mụ thì chắc tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Tôi muốn nói rằng: tôi luôn biết ơn điện ảnh”.

 Đạo diễn Lê Dân

>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 3: Người tình không chân dung
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 2: Bắt đầu hết cô đơn
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời: Kiều Chinh và Hồi chuông Thiên Mụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.